Gặp tốp học viên cũ trở lại đơn vị, anh Phạm Văn Giang, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin và người tàn tật của tỉnh, cảm thấy rất vui và chỉ đạo cán bộ ra đón tiếp. Được biết, các cháu đều là con của các nạn nhân chất độc da cam đã được đào tạo nghề tại Trung tâm, nay trở lại cũng là để tư vấn việc làm. Anh Giang tâm sự: Dù còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng được phục vụ các đối tượng liên quan đến nạn nhân chất độc da cam, là niềm tự hào của cán bộ, nhân viên của Trung tâm vì anh em đều nhận thấy việc làm của mình là trách nhiệm cùng cộng đồng xoa dịu nỗi đau da cam. Những năm đầu thành lập phải thuê địa điểm làm việc, nên hoạt động còn hạn chế. Năm 2011, khi có được cơ ngơi khá khang trang với hệ thống thiết bị trị giá hơn 13 tỷ đồng, Trung tâm đã không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ các đối tượng, tập trung vào công tác đào tạo nghề cho đối tượng nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật; chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng cho các nạn nhân da cam và tham gia các công tác xã hội khác. Chia sẻ lo toan của nạn nhân chất độc da cam có con em bị khuyết tật, Trung tâm đã khảo sát, tìm hiểu thực tế để hiểu biết hoàn cảnh, nguyện vọng và tiếp nhận các cháu, các em có đủ điều kiện vào Trung tâm ăn, ở để đào tạo nghề, tất cả đều miễn phí. Bằng sự quan tâm đó, đã có hàng trăm con em của nạn nhân chất độc da cam được học các nghề may công nghiệp, mây tre đan, tin học... Do có sự phối hợp, liên kết trong việc dạy nghề giữa Trung tâm với các doanh nghiệp, nên hầu hết các em học xong có tay nghề đều được bố trí việc làm, chính vì vậy bản thân các em và gia đình các nạn nhân luôn đặt rất nhiều hy vọng vào Trung tâm. Ngay tại lớp đào tạo may công nghiệp cho hơn 20 học viên tại Trung tâm, chị Phạm Thị Thu Phương, giáo viên dạy nghề cũng thừa nhận: các em nhận thức rất tốt, lại được Trung tâm quan tâm chăm sóc chu đáo, nên các em đều chịu khó học nghề. Chị Phương giới thiệu cho tôi biết: em Phùng Thị Huyền, ở xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường), tuy bị tật không nghe và nói được, nhưng sau một tuần học nghề Huyền đã làm được sản phẩm theo kịp được trình độ của các bạn khác. Còn em Bạch Vương Việt ở xã Đạo Tú (Tam Dương), mới vào học nghề được vài ngày cũng bày tỏ nguyện vọng, mong học được nghề và được Trung tâm giới thiệu, bố trí việc làm để có thu nhập tự chăm lo bản thân. Không được may mắn như các bạn cùng trang lứa, song những con em của nạn nhân chất độc da cam được về đây học nghề đều có chung nghị lực học tập và tin tưởng vào tương lai. Quan tâm và động viên các đối tượng dễ bị tổn thương, hàng năm Trung tâm Trợ giúp nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin và người tàn tật đã tổ chức nhiều hoạt động xã hội thiết thực. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã phối hợp với ngân hàng Agribank; Công ty Cổ phần Thương mại Sông Hồng Thủ đô; tập thể lớp 9A Trường THCS Đông Anh (Hà Nội) tặng 120 suất quà cho các nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật và người nghèo trị giá 36 triệu đồng. Tổ chức đi trao 77 thùng quà tại tỉnh Hà Giang trị giá 130 triệu đồng; trao 10 thùng giày cho học sinh Trường tiểu học Cao Phong A (huyện Sông Lô) trị giá hơn 50 triệu đồng. Gần đây, Trung tâm đã phối hợp với Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm đioxin tổ chức đi thăm, khảo sát thực tế và trao học bổng, đỡ đầu, tặng quà tết cho 7 học sinh trên địa bàn tỉnh, trị giá 30 triệu đồng. Nhân dịp Quốc tế thiếu nhi, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm hoạt động thanh, thiếu nhi Vĩnh Phúc trao quà cho 20 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập và 15 em học sinh khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam; cấp 20 suất học bổng và đỡ đầu cho các đối tượng bị tổn thương. Bằng các nguồn vốn tài trợ của nước ngoài, Trung tâm đã cho 40 hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam vay vốn không tính lãi để phát triển sản xuất, mỗi hộ 7 triệu đồng. Tuy nguồn vốn chưa lớn, nhưng đã góp phần cùng các gia đình cơ cấu lại sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, phát triển dịch vụ thương mại... để có thêm nguồn thu nhập, bớt đi khó khăn và ổn định đời sống. Chúng tôi đến thăm Trung tâm đúng dịp đang có đoàn các nạn nhân chất độc da cam đến phục hồi chức năng. Thấy có những hoạt động khác nhau như châm cứu, đánh cờ, xem ti vi, anh Phạm Văn Giang giới thiệu: trước giờ vào phục hồi chức năng trên máy, các bác vẫn được bác sỹ, y tá của Trung tâm châm cứu, bấm huyệt chăm sóc sức khoẻ. Qua tìm hiểu, chúng tôi biết thêm, để góp sức chăm sóc sức khoẻ cho các nạn nhân chất độc da cam, Trung tâm đã phối hợp với các ngành địa phương tổ chức cho các đối tượng về Trung tâm nghỉ dưỡng 10 ngày, trong thời gian ở đây, các nạn nhân được miễn phí tất cả các hoạt động ăn, nghỉ, phục hồi chức năng bằng hệ thống thiết bị y tế hiện đại. Bên cạnh đó, Trung tâm còn mời các bác sỹ tình nguyện viên tới nói chuyện thời sự và về sức khỏe; mời các bác sỹ, sinh viên y học cổ truyền tham gia phục hồi chức năng nhằm nâng cao sức khoẻ cho các đối tượng. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức phục hồi cho 441 nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn, hoạt động chăm sóc sức khoẻ của Trung tâm đã được các đối tượng ghi nhận bằng nhiều lưu bút, tình cảm lưu luyến khi chia tay. Ông Lê Văn Minh ở xã Lãng công (Sông Lô) hiện đang nghỉ tại Trung tâm cho biết: chúng tôi rất biết ơn sự quan tâm của anh em cán bộ của Trung tâm, chúng tôi không so sánh với nơi nào, nhưng tỉnh ta có được một nơi chăm lo đến những người như chúng tôi như thế này là tốt lắm rồi, mong rằng càng về sau Trung tâm càng phát triển để có điều kiện nâng cao chất lượng phục vụ và hoạt động nhân đạo. Được biết, trong điều kiện hiện tại Trung tâm chưa đủ sức làm hết các yêu cầu phục vụ cho hàng nghìn đối tượng cũng như nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho những người đến đây nghỉ dưỡng, nhưng Trung tâm đã giáo dục tốt cán bộ, nhân viên luôn có ý thức trách nhiệm cao nhất để đền đáp sự hy sinh, mất mất của thế hệ cha anh cho Tổ quốc. Mong rằng, với quan điểm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân cùng gắn bó với Trung tâm để mỗi gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin vơi đi khó khăn mỗi khi ngày mới bắt đầu. Bài, ảnh Nguyễn Trọng |