Ngày ấy… Nằm ở phía đông huyện Yên Lạc, Nguyệt Đức có 3 làng: Đinh Xá, Xuân Đài, Nghinh Tiên. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ nơi đây bị giặc xây dựng vành đai kìm kẹp, o ép cách mạng và trọng điểm bắn phá của giặc. Trước sự đàn áp, bóc lột dã man thực dân Pháp, Đảng bộ và nhân dân Nguyệt Đức đã sớm giác ngộ cách mạng, một lòng theo Đảng, kiên cường đấu tranh, không quản ngại gian khổ, hy sinh. Từ 8/1948 đến 7/1954 quân và dân xã Nguyệt Đức độc lập tác chiến, xây dựng Nguyệt Đức thành làng chiến đấu, kết quả góp 9.100 cây tre đào quanh làng, 3.700 giao thông hào, 6.200 hộ cá nhân, 62 hầm bí mật, 77 hầm, 500 hố nanh sâu, 100 m địa đạo. Phối hợp với bộ đội huyện, tỉnh và bộ đội chủ lực đánh địch 313 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 144 tên địch, 168 tên khác bị thương, bắt sống 37 tên. Phá hủy 04 xe cơ giới, thu 68 khẩu súng, 10 tấn quân trang quân dụng, cắt 2.800 mét dây diện thoại và san phẳng bức rút 9 tháp canh của địch. Cùng với 5 năm kháng chiến gian khổ ấy, nhân dân Nguyệt Đức đã lần lượt tiễn đưa 294 người con quê nhà lên đường tòng quân và đóng góp 39.906 kg lương thực cho kháng chiến. Kháng chiến chống Pháp qua đi, cùng với quân dân cả nước đối diện với kháng chiến chống Mỹ, Nguyệt Đức ra sức mình đóng góp sức người, sức của với khẩu hiệu “ Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Nghe theo tiếng gọi của đất nước, hàng trăm người con em ưu tú Nguyệt Đức lên đường vào chiến trường, chiến đấu dũng cảm, hoàn thành nhiệm vụ và giữ trọn lời thề “ Đánh tan giặc Mỹ mới về quê hương”. Những người con của quê hương Nguyệt Đức đã chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công xuất sắc. Và không ít trong số những người con đó, nhiều người vĩnh viễn mãi không trở lại. Với đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến đó Nguyệt Đức được Đảng, Nhà nước trao tặng 2 Huân chương Chiến công hạng 2 và 3, Huân chương Lao động hạng 3; nhiều năm liền được công nhận là Đảng bộ TSVM, 8 lần được nhận cờ lưu niệm của Tỉnh ủy; 15 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và hàng ngàn huân, huy chương cao quý của tập thể, cá nhân được Quốc hội và Chính phủ trao tặng. Và bây giờ Từ một vùng quê bị giặc tàn phá, càn quét ác liệt, giờ đây Nguyệt Đức đang từng ngày thay da đổi thịt. Cụ Nguyễn Kim Sinh, năm nay đã 80 tuổi, không giấu nổi cảm xúc, vui mừng của mình trước sự thay đổi của quê hương, cụ kể rằng: “ Nguyệt Đức ngày xưa nghèo lắm, sự tàn phá của chiến tranh bao năm làm cái đói, cái nghèo cứ đeo bám. Bây giờ thì khác rồi, quê tôi thay đổi nhiều lắm, đời sống của bà con cũng khá giả...”. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng sự nỗ lực nhân dân xã Nguyệt Đức đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên bước đường đổi mới. Đáng tự hào hơn là tinh thần yêu nước của người dân năm xưa, nay được phát huy trong lao động sản xuất, và giờ đây những ngôi nhà dột nát năm xưa được thay bằng những ngôi nhà ngói đỏ, nhà cao tầng, tạo cho Nguyệt Đức một diện mạo mới tươi sáng. Xác định nông nghiệp là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, Nguyệt Đức tập trung vận động nhân dân tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện địa phương. Đồng thời, vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ KHKT, máy móc vào sản xuất, chăn nuôi đem lại giá trị kinh tế cao. Để giúp nhân dân được mở rộng phát triển kinh tế nông nghiệp Nguyệt Đức từng bước triển khai xây dựng hình thành các khu sản xuất hàng hóa tập trung theo vùng với diện tích 70-80 ha và xây dựng khu dự án chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Đối với những vùng đất chiêm trũng trồng lúa không hiệu quả, Đảng ủy, UBND xã vận động các hộ gia đình chuyển sang nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm và cây ăn quả. 6 tháng đầu năm 2012, tổng sản lượng lương thực đạt 1.986 tấn; năng xuất lúa đạt 67 tạ/ha; thủy sản đạt 155, 4 tấn. Nhờ có sự chuyển dịch đúng hướng nên tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã năm sau luôn cao hơn năm trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,9%. Nguyệt Đức còn tạo điều kiện cho phát triển CN- TTCN- XD, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngành nghề mở rộng, thu hút lao động giải quyết việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Toàn xã hiện có 14 doanh nghiệp, 8 cơ sở hàn xì, 21 hộ gia đình làm mộc, hơn 75 hộ làm nghề xay xát, nấu rượu, may mặc, làm bánh và 362 hô tham gia phát triển TMDV.... Từ đó giải quyết việc làm cho gần 500 lao động ở địa phương. Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, những năm qua, nhiều công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu của xã được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu của người dân như: Trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang sạch đẹp, các tuyến đường giao thông, xây chợ Lồ và giao thông nội đồng, hệ thống lãnh thoát nước, khu xử lý rác thải Đinh Xá. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội từng bước được đầu tư xây dựng, các mặt văn hóa, xã hội được duy trì và phát triển. Hiện nay, 100% thôn có nhà văn hóa; đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã được nâng lên, tạo điều kiện tốt cho việc chăm sóc, giúp đỡ gia đình chính sách, tạo cơ hội cho hộ nghèo thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Là một trong những xã điểm của huyện Yên Lạc thực hiện mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, người dân xã Nguyệt Đức hăng hái chung tay góp sức xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Kết quả đến tháng 4/2012 toàn xã đạt được 11/19 tiêu chí NTM. Với truyền thống anh hùng cách mạng và niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, đảng bộ và nhân dân Nguyệt Đức quyết tâm phát huy mọi nguồn lực, khai thác mọi tiềm năng cũng như thế mạnh của mình nhằm xây dựng quê hương xứng đáng với danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng và Nhà nước phong tặng. Bài, ảnh Thanh Tuyền |