Đề nghị đồng chí đánh giá về công tác thực hiện pháp luật, chính sách thanh niên và công tác thanh niên ở Vĩnh Phúc trong thời gian qua? Trong 5 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã cụ thể hóa ban hành nhiều chủ trương của Đảng chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thanh niên,Chương trình hành động số 45-CTTU về thực hiện Nghị quyết 25 BCH Trung ương Đảng khóa X; Chương trình phát triển thanh niên Vĩnh Phúc, chương trình hành động vì trẻ em Vĩnh Phúc, dự án xây dựng Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi cấp huyện, “Công trình phổ cập tin học nối mạng tri thức cho thanh niên nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc” và Dự án “Thí điểm chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ cho thanh thiếu niên tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2009-2011”. Các chủ trương chính sách trên đã tạo môi trường cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ cống hiến, trưởng thành. Chủ trương, chính sách trên tạo điều kiện cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai phong trào “Sáng tạo trẻ” trong thanh niên, nhất là thanh niên công nhân, viên chức, học sinh, sinh viên, trí thức trẻ. Trong 5 năm, đã có 87 giải pháp kỹ thuật của thanh niên tham gia cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật của tỉnh và đã có 35 giải pháp đạt giải cấp tỉnh, 8 giải pháp sáng tạo của thanh niên đạt giải toàn quốc. Trong đó, tiêu biểu là sản phẩm đạt giải tại Festival sáng tạo trẻ toàn quốc năm 2011 của tác giả Trần Đức Tôn với đề tài “Giải pháp sáng tạo nhân rộng khai thác thiết bị phát triển công nghệ khoa học- tự động hóa”. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã trao thưởng từ Quỹ tài năng trẻ cho thanh niên đạt giải với tổng số tiền 60 triệu đồng. Công tác tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho thanh niên được Đoàn thanh niên các cấp triển khai có hiệu quả. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã tổ chức được 812 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho 56.840 thanh niên nông thôn; khuyến khích thanh niên phát triển mô hình kinh tế trang trại, trong đó nhiều thanh niên đã tích cự dồn điền đổi thửa để hình thành các khu chăn nuôi tập trung có quy mô lớn như: xã Văn Tiến, Liên Châu (Yên Lạc); xã Văn Quán (Lập Thạch); xã Nam Viêm (thị xã Phúc Yên). Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 1.000 trang trại thanh niên có thu nhập hàng năm từ 50 triệu đồng/năm trở lên. Nhiều gương thanh niên nông thôn điển hình trong phát triển kinh tế đã được các cấp tuyên dương khen thưởng, trong đó tiêu biểu là: Tiêu biểu là Mô hình hoa phong lan của Trần Văn Giáp, xã Đại Đình (Tam Đảo); Hợp tác xã tuổi trẻ Hồng Chung (thị xã Phúc Yên), Mô hình chăn nuôi lơn rừng của Nguyễn Văn Giang (Bình Xuyên); Mô hình chế tác đá của đồng chí Hà Văn Quyết xã Hải Lựu (Sông Lô)... Đã có 10 thanh niên nông thôn được vinh dự nhận ”Giải thưởng Lương Định Của” do Trung ương Đoàn tổ chức. Theo đồng chí cần có chính sách hỗ trợ như thế nào để thanh niên Vĩnh Phúc được tiếp cận khoa học kỹ thuật góp phần ổn định kinh tế, giải quyết việc làm? Để thanh niên tiếp cận khoa học, cải tiến kỹ thuật đưa vào cuộc sống là điều rất quan trọng. Nhưng muốn làm được việc này, theo tôi Sở KH-CN, Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh, những người quản lý nhà nước, hội quản lý nghề nghiệp… thông qua các hoạt động công nghệ trên địa bàn, giúp thanh niên nắm bắt khoa học - công nghệ. Đồng thời để tạo môi trường cho tuổi trẻ tiến quân vào KH-CN, cần có chính sách hỗ trợ khuyến khích kịp thời các nhân tố trong thanh niên nghiên cứu khoa học, đưa các tiến bộ vào học tập, sản xuất kinh doanh. Tổ chức các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật; tuyên dương, tôn vinh tấm gương tiêu biểu... Để thu hút thanh niên tham gia các chương trình nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật, Sở KH&CN cùng chính quyền địa phương cần phối hợp, triển khai như thế nào? Theo tôi, để thu hút thanh niên tham gia các hoạt động cần phải tập trung đẩy mạnh phối hợp với các ngành để tuyên tuyền tới thanh niên về các hoạt động nghiên cứu khoa học, cần chia ra từng lứa tuổi, lĩnh vực để tổ chức những cuộc thi dành riêng cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên hoặc cho các nghiên cứu viên và những người đang làm ở lĩnh vực nghiên cứu… để mọi người tham gia và có những sáng kiến của mình. Những cải tiến, đưa ra phương án giải quyết bằng KH-CN thì phải phù hợp với từng lứa tuổi, phù hợp với năng lực, trình độ, suy nghĩ đam mê của thanh niên. Những thanh niên được lựa chọn sau những cuộc thi sáng tạo thì sẽ có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các sáng kiến, tiến bộ KHKT được áp dụng vào thực tiễn. Theo đồng chí, để thanh niên tiếp cận khoa học kỹ thuật cũng như các cuộc thi sáng tạo KHKT, lãnh đạo và các cơ quan tham mưu cần phải làm gì? Theo tôi một trong những biện pháp quan trọng nhất trong việc lôi kéo thanh niên đến với khoa học kỹ thuật và công nghệ thì trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật phải đặt lên hàng đầu. Họ phải thực sự quan tâm đến thanh niên, quan tâm đến KH-CN, tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận với KH-CN. Cần tạo phong trào khuyến khích, động viên tuổi trẻ tích cực nghiên cứu khoa học, đưa tiến bộ mới vào các lĩnh vực, có chính sách kịp thời để biểu dương, động viên. Bởi có quan tâm thì mới tạo ra nhiều sân chơi, hoặc đưa ra nhiều công nghệ mới, mà công nghệ mới thì thanh niên chắc chắn là lực lượng chủ yếu. Tuy nhiên, để tham gia vào những sân chơi ấy yêu cầu thanh niên phải có năng lực, trình độ, có công nghệ mới hơn. Tức là thanh niên phải học tập nâng cao trình độ của mình mới đủ sức tham gia. Tôi nghĩ đây là biện pháp rất quan trọng trong việc lôi kéo thanh niên đến với khoa học kỹ thuật và công nghệ. Xin cảm ơn đồng chí! Nguyễn Hoàn (thực hiện) |