Mỏi mắt tìm việc Đã lâu lắm rồi việc tìm phòng trọ ở thành phố Vĩnh Yên mới dễ như thế, nhiều công nhân tại các KCN không còn việc làm nên đã gói gém hành lý về quê. Nhiều gia đình ở gần các KCN đầu tư xây nhà cho công nhân thuê năm nay thất thu do vắng bóng công nhân. Ông Nguyễn Văn Hải, chủ một xóm trọ cho biết: Gia đình ông có xây một dãy trọ gồm 8 phòng ở gần KCN Khai Quang. Nhưng năm nay kinh tế khó khăn, công nhân mất việc triền miên nên dãy trọ gia đình ông không được đông đúc như trước. Hiện nay, dãy trọ của ông có 3 phòng còn trống công nhân trả lại từ 2 tháng trước. Ông hạ giá thuê phòng từ 500 nghìn đồng/tháng xuống còn 400 nghìn đồng/tháng nhưng đến giờ vẫn chưa có người đến thuê. Gặp chị Nguyễn Thị Huyền, công nhân tại KCN Khai Quang tại xóm trọ, chị cho biết: “Mấy tháng nay công ty tôi ít việc, một số công nhân đã bị cho thôi việc vì hết hợp đồng, còn tôi nằm trong số những công nhân nghỉ việc luân phiên. Có khi cả tháng mới đi làm được 10-15 ngày, thu nhập giảm nửa nên cuộc sống rất khó khăn. Tôi đang chuẩn bị vài bộ hồ sơ để xin việc làm mới, nhưng suốt mấy ngày đi khắp KCN mà vẫn không thấy công ty nào có nhu cầu tuyển dụng”. Không chỉ công nhân mất việc, mà nhiều lao động trí thức, có kinh nghiệm lâu năm cũng điêu đứng trước những khó khăn. Anh Nguyễn Huy Nam, tốt nghiệp trường đại học Bách Khoa Hà Nội, là nhân viên thiết kế tại một công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng đang rơi vào hoàn cảnh “dở khóc dở cười”. Anh cho biết, trước đây khi công ty còn hoạt động bình thường thì công việc làm ngày, làm đêm không hết, có đợt cao điểm anh phải tăng ca từ 4-5 tiếng/ngày. Nhưng sang đầu năm nay, sản xuất của công ty ngưng trệ, nhiều công nhân phải nghỉ việc, bản thân anh chuyển sang vị trí khác, ít liên quan đến chuyên môn hơn, các khoản chi phí phụ cấp bị cắt giảm gần hết. Anh Trần Văn Thành quê ở Tam Dương lại là một trường hợp khác, tốt nghiệp trường đại học Xây dựng, làm việc tại thành phố Hà Nội được hơn 3 năm và mới lập gia đình từ đầu năm 2012, vợ anh làm việc tại một cơ quan nhà nước trong tỉnh. Muốn vợ chồng quy về một mối, nên anh cố gắng nuôi quyết tâm tìm một công việc tại quê hương. Nhưng nhiều tháng nay, cầm hồ sơ đi gõ cửa xin việc đều nhận được cái lắc đầu từ các công ty, doanh nghiệp. Chán nản anh than thở: “Mình đang làm việc tại Hà Nội, nhưng công việc cũng không thuận lợi lắm, giờ muốn về quê cho gần vợ, gần gia đình mà khó quá. Không biết phải sống cái cảnh vợ một nơi, chồng một nới như thế này đến bao giờ?”. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2012 toàn tỉnh có thêm 318 doanh nghiệp không hoạt động; trong đó số doanh nghiệp đã đăng ký nhưng chưa hoạt động là 150 doanh nghiệp, tạm dừng kinh doanh là 118 doanh nghiệp, chờ giải thể là 50 doanh nghiệp. Tính lũy kế đến hết tháng 6 năm 2012, trên địa bàn tỉnh có tới 2.115 doanh nghiệp không hoạt động, chiếm 41,7%, gồm 2.088 doanh nghiệp tư nhân và 27 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Qua khảo sát, đánh giá tình hình lao động, việc làm của 21 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giầy, sản xuất vật liệu xây dựng…kết quả số lao động các doanh nghiệp đang sử dụng là 16.098 người, giảm 1.189 người. Khó khăn chồng chất khó khăn nên các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp như cơ cấu lại sản xuất, giảm chi phí, giảm ngày làm việc, thực hiện nghỉ luân phiên để giữ chân người lao động. Điển hình như Công ty cổ phần Giầy phúc Yên đã giảm ngày làm việc tiêu chuẩn còn 22 ngày công/tháng của 1.103 lao động và bố trí nghỉ luân phiên cho 26 lao động; Công ty cổ phần Prime Đại Việt cắt nghỉ luân phiên đối với gần 50 lao động,… Chờ đến bao giờ? Những năm trước, mỗi phiên giao dịch việc làm do Trung tâm giới thiệu việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức, thường xuyên có từ 25 đến 27 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng, có thời điểm trên 30 doanh nghiệp. Mỗi phiên giao dịch các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng trên 1.500 lao động ở các trình độ khác nhau. Bước sang năm 2012, vấn đề thông báo tuyển dụng lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động chính thức tại các phiên giao dịch bắt đầu xuống dốc. Từ đầu năm 2012 tới nay, mỗi phiên giao dịch việc làm chỉ có từ 18 – 20 doanh nghiệp tới tham gia, và số lượt người được tuyển dụng giảm còn 400 – 500 người/phiên. 8 tháng đầu năm, Trung tâm giới thiệu việc làm đã tổ chức 19 phiên giao dịch việc làm, có 326 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng; 6.786 lượt người đến sàn giao dịch, số người đăng ký tìm việc lại chỗ là 3.297 nhưng số người được tuyển dụng chỉ có 1.984 người. Chia sẻ vấn đề này, ông Phùng Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm cho biết: Năm nay kinh tế khó khăn nên vấn đề tìm việc và giải quyết việc làm không đơn giản. Nếu trước đây, nhiều công ty tự tìm đến trung tâm đăng tuyển thì nay chúng tôi phải tìm cách vận động, tuyên truyền đến từng công ty trên địa bàn tỉnh tham gia tuyển dụng. Nhiều doanh nghiệp thường xuyên tham gia tuyển dụng lao động tại sàn giao dịch hàng tháng nhưng nay thưa thớt hơn, thậm chí có doanh nghiệp là khách hàng thường xuyên của trung tâm mấy tháng gần đây không có nhu cầu tuyển dụng lao động do thiếu việc, cắt giảm sản xuất. Thiếu việc làm, công nhân thất nghiệp ngày càng nhiều, cũng chính vì thế, số người tìm đến Trung tâm giới thiệu việc làm đăng ký bảo hiểm thất nghiệp ngày càng đông. Năm 2011, số người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp chỉ có 2.594 trường hợp nhưng đến tháng 8 năm 2012, con số này lên tới 3.160 trường hợp. Mỗi tháng trung bình có khoảng 300 người đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, riêng tháng 8 có 405 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp; và mới chỉ có 579/3.160 người đã được giới thiệu việc làm trở lại. Bài, ảnh Thúy Nga |