Nỗi lo chữ viết Bước vào năm học mới, nhiều bà mẹ có con vào lớp 1 lại tất bật kèm con học và luyện chữ cùng con. Chia sẻ vấn đề này, chị Nguyễn Thanh Hiền, ở thị trấn Hương Canh cho biết: Tôi thấy học sinh bây giờ chữ viết cẩu thả quá, năm nay con gái tôi vào lớp một và tôi đã lên kế hoạch rèn chữ cho con ngay từ khi còn nhỏ. Để giúp con có kế hoạch học tập cụ thể, tối nào tôi cũng phân bổ thời gian khoa học cho con ôn lại bài và tập tô chữ theo mẫu”. Tuy nhiên, hiện nay đa số các bậc phụ huynh ít có thời gian quan tâm sát sao đến việc chữ viết của con xấu hay đẹp mà chỉ chú trọng hôm nay con học môn gì, được điểm mấy? Vì thế, thế hệ trẻ dần có xu hướng viết chữ xấu và cẩu thả hơn trước rất nhiều. Có nhiều bạn lúc nhỏ chữ viết khá đẹp nhưng càng lớn chữ lại dần xấu đi do viết nhanh, viết vội. Những nét chữ ngay ngắn, thẳng hàng, chuẩn chính tả đang dần mất đi và thay vào đó là những chữ viết nguệch ngoạc, thiếu nét với nhiều lỗi chính tả. Trò chuyện với một nhóm học sinh trường THCS Thanh Lãng, đa số các em cho biết ít khi quan tâm đến việc rèn chữ, chữ mình vốn sao thì vẫn thế, cốt là học khá và đều các môn là được. Nhiều em vui vẻ cho biết, nhiều người học rất giỏi, đỗ trường này, trường kia nhưng chữ xấu có sao đâu. Một học sinh còn hùng hồn tuyên bố: Chữ bác sỹ xấu thế mà vẫn khám, chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân đấy thôi... Vì những tư tưởng đó mà nhiều học sinh càng lên cấp học cao hơn, nét chữ lại càng trở nên khó coi. Ngay từ nhỏ, nhiều em đã được tiếp cận máy tính, lạm dụng vào công nghệ quá nhiều làm cho trẻ chây lười, không để ý trau chuốt con chữ. Công nghệ hiện đại của chiếc máy tính đã “giải phóng ngòi bút” cho nhiều người nên việc cầm bút, viết tay dần bị lãng quên. Thêm một lý do mà học sinh ngày nay viết chữ xấu, đó là hiện nay các bạn chủ yếu học khối A, B, những khối học ít phải dùng nhiều chữ viết. Ở bậc tiểu học, có rất nhiều các loại sách vở tập tô theo mẫu được bày bán trên thị trường, tuy nhiên nhiều học sinh mua về chỉ bỏ đấy, ít khi dành thời gian tập viết, hoặc nếu có thì cũng chỉ để cho xong nhiệm vụ giáo viên giao cho. Ngay từ nhỏ, ý thức tự rèn chữ của các em không có nên chữ viết ngày càng xấu là việc không thể tránh khỏi. Vì điều kiện công việc, anh Nguyễn Huy Nam phải thường xuyên xa nhà, việc học hành của con do vợ anh đảm nhận. Vừa rồi, anh được nghỉ phép mấy ngày, có thời gian kiểm tra việc học hành của cậu con trai đang theo học lớp 5 thì mới tá hỏa chữ con không khác gì “gà bới”. Trao đổi với vợ, anh quyết định cho con theo học lớp luyện chữ của một cô giáo gần nhà. Anh Nam cho rằng, chữ viết đẹp cũng quan trọng như học giỏi một môn học, nó thể hiện tính cẩn thận, kiên trì của con người nên không thể coi nhẹ chữ viết trong giáo dục nhà trường. Cùng với quan điểm này, một cô giáo dạy Văn ở trường THCS than thở: “Học trò bây giờ viết chữ quá xấu, mỗi lần chấm bài kiểm tra thì mệt như tra tấn, vừa phải đọc bài, vừa phải dịch từng câu từng từ. Nhiều khi còn không thể dịch được, đành khoanh tròn những đoạn không hiểu chờ ngày trả bài thì hỏi lại học sinh đã viết gì. Nhiều khi các em bị mất điểm oan vì chữ viết quá xấu”. Ý thức rèn luyện Xã hội dù có hiện đại tới đâu, con người ta cũng không thể bỏ hẳn chữ viết tay nên nó vẫn giữ một vị trí quan trọng trong cuộc sống thường ngày. Để chữ viết đẹp thì trước hết phải luyện, và đó là công việc đòi hỏi sự kiên trì, chăm chỉ. Ở bậc tiểu học có phong trào “vở sạch chữ đẹp” góp phần theo dõi, khuyến khích các em cẩn thận hơn trong việc rèn chữ. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng xếp loại A mỗi tháng cho vở sạch chữ đẹp. Cô Nguyễn Phương Dung, giáo viên một trường tiểu học cho biết: Lớp 2A của cô có 26 học sinh, nhưng chỉ có khoảng 2/3 chữ viết các em đạt yêu cầu, chữ đẹp thì chỉ được vài em. Mỗi tháng chấm vở sạch chữ đẹp, số học sinh xếp loại A chỉ đạt 70%. Nguyên nhân học sinh viết chữ xấu là do ở lớp ít thời gian luyện chữ song về nhà các em lại bị chi phối bởi nhiều trò vui khác nên việc rèn chữ hầu như không có. Chữ viết xấu hay đẹp của học sinh một phần do ảnh hưởng và sự uốn nắn từ giáo viên. Một giáo viên có chữ viết đẹp sẽ có thể có nhiều học trò viết chữ đẹp và ngược lại. Chữ viết đẹp vì thế trở thành một phẩm chất chuyên môn cần có của người giáo viên, nhất là ở bậc tiểu học. Trước vấn nạn về chữ viết như hiện nay, ở những thành phố lớn, các trung tâm luyện chữ đẹp xuất hiện khá nhiều, tuy nhiên trên địa bàn Vĩnh Phúc, những trung tâm như thế còn ít. Thay vào đó, những giáo viên có tâm huyết với con chữ thường kèm vài ba em luyện chữ tại nhà. Cô Nguyễn Thị Mai, một trong số những giáo viên luyện chữ đẹp lâu năm chia sẻ: “Vào dịp hè, mấy phụ huynh thường gửi con nhờ tôi luyện chữ cho các cháu, mỗi nhóm cũng chỉ từ 5-7 em. Đa số các em đến với lớp học của tôi có chữ viết ban đầu rất xấu và không phải em nào cũng hào hứng ngồi hàng tiếng đồng hồ chỉ để viết đi viết lại một vài chữ. Công việc luyện chữ cần sự nhẫn nại, không thể nóng vội, nên tôi thường phải tìm ra những phương pháp mới, phù hợp với từng trẻ, khuyến khích các em yêu thích ngồi nắn từng nét chữ”. Chữ viết rất quan trọng và cần phải luyện cho các em ngay từ khi đặt những nét bút đầu tiên trong đời. Muốn học sinh có chữ viết đẹp, gia đình và nhà trường cần quan tâm, chú trọng đúng mức đến việc rèn luyện chữ viết của học sinh ở trên lớp và ở nhà. Bài, ảnh Thúy Nga |