Theo kết quả các cuộc điều tra dân số cho thấy tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) của Vĩnh Phúc đã ở mức cao. Năm 2005 là 114; năm 2009 là 114,9; năm 2010 là 115,37; năm 2011 là 116,15 cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Năm 2010, 2011 có 9/9 huyện, thị, thành phố xảy ra mất bằng giới tính khi sinh, trong đó có 6 huyện ở mức cao trên 115. Vĩnh Phúc hiện nay là một trong 10 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước. Nguyên nhân, do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng nho giáo truyền thống; tập quán coi trọng nam hơn nữ đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều cặp vợ chồng; trình độ phát triển KT- XH chưa cao, lao động thủ công đòi hỏi sức lao động cơ bắp còn chiếm tỷ trọng cao; việc thực hiện bình đẳng giới còn hạn chế; việc phá thai không bị hạn chế về phương diện pháp luật; nguy hại của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chưa được nhận biết rộng rãi; việc tuyên truyền, thực hiện pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi còn nhiều hạn chế… Tình trạng gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Vĩnh Phúc sẽ dẫn tới những hệ lụy khó lường về an ninh chính trị và TTATXH; nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh không được khắc phục kịp thời, sau 20- 30 năm, Vĩnh Phúc sẽ có khoảng 43- 63 ngàn nam giới trưởng thành không tìm được phụ nữ cùng trang lứa để kết hôn. Để ứng phó với mất cân bằng giới tính khi sinh, Vĩnh Phúc ban hành Chương trình DS- KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc; Nghị quyết số 03/2009/NQ- H ĐND về Chương trình DS- KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2009- 2015; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật; xây dựng và triển khai Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại cộng đồng; can thiệp thông qua việc lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ chính sách an sinh xã hội và thực hiện luật bình đẳng giới; nghiên cứu, khảo sát thu thập thông tin về giới tính khi sinh… Với mục đích nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân về hậu quả của tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh đối với sự phát triển bền vững của nền KT- XH và nguy cơ làm thay đổi cơ cấu dân số trong tương lai, tại hội thảo các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề: đánh giá thực trạng và đặc điểm mất cân bằng giới tính khi sinh của tỉnh; nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng tỷ số giới tính khi sinh trong những năm gần đây; các hệ lụy do mất cân bằng giới tính khi sinh trong những năm gần đây; đề xuất, kiến nghị các giải pháp can thiệp góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay hiện nay trên địa bàn tỉnh. Phát biểu tại hội thảo, các đồng chí: Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số- KHHGĐ và Nguyễn Văn Trì, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh đến công tác dân số ở Vĩnh Phúc và vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh. Công tác dân số ở Vĩnh Phúc nhận được sự quan tâm rất lớn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, vì vậy, công tác dân- kế hoạch hóa gia đình đạt được những kết quả quan trọng, đặc biệt là vấn đề giảm sinh, chất lượng dân số. Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, công tác DS- KHHGĐ đang có những khó khăn, thách thức mới. Đáng lưu ý, mất cân bằng giới tính khi sinh là vấn đề bức xúc của tỉnh do nhận thức chưa tốt; cơ chế chính sách thực hiện chưa hiệu quả; pháp luật chưa được thực hiện nghiêm minh. Các đồng chí đề nghị, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân không còn tư tưởng trọng nam hơn nữ; siết chặt các quy định của pháp luật về các hình thức lựa chọn giới tính khi sinh; giúp các gia đình có hai con gái sống tốt, nhất là vấn đề an sinh xã hội; cấp ủy các cấp cần tập trung chỉ đạo công tác DS- KHHGĐ ở ngay địa phương mình, xác định rõ trách nhiệm của mỗi cơ quan. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo cơ quan thông tin đại chúng tập trung làm tốt hơn công tác tuyên truyền để có nhận thức đúng; ngành y tế tham mưu với cấp ủy, tập trung chỉquyết liệt trong việc xây dựng bộ máy làm công tác dân số- KHHGĐ; rà soát, đánh giá lại thực trạng mất cân bằng giới tính ở các đơn vị, nhất là ở các xã có tình trạng mất cân bằng giới tính cao; nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách để nâng cao hiệu quả công tác DS- KHHGĐ; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với cơ sở y tế, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lựa chọn giới tính thai nhi. Tin, ảnh Bạch Dương |