Theo báo cáo của Sở TN&MT, hiện nay số lượng các Dự án chưa thực hiện việc giao đất (do đang bồi thường GPMB dở dang) trên địa bàn toàn tỉnh còn 340 dự án với tổng diện tích 2.207,53ha; trong đó diện tích đất trồng lúa là 1.104,27ha, bao gồm các dự án giao thông, thủy lợi; dự án KCN, CCN, làng nghề; dự án đô thị, nhà ở thương mại; dự án đất dịch vụ, đất giãn dân, đất tái định cư, đất đấu giá, đất nhà ở xã hội; dự án xã hội hóa và trụ sở cơ quan nhà nước; dự án sản xuất kinh doanh ngoài KCN, CCN và dự án khác. Trong tổng số 340 dự án chưa thực hiện việc giao đất có 119 dự án đất dịch vụ, đất giãn dân, đất tái định cư, đất đấu giá, đất nhà ở xã hội với tổng diện tích sử dụng đất để thực hiện các dự án là 492,2ha; trong đó diện tích đất trồng lúa là 302,68ha. Các dự án đất dịch vụ, đất giãn dân, đất tái định cư, đất đấu giá là các dự án cần được triển khai gấp, để đảm bảo quyền lợi của các hộ gia đình, cá nhân có đất sản xuất nông nghiệp bị nhà nước thu hồi theo chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh và nhu cầu về đất ở mà hàng chục năm qua nhiều hộ gia đình chưa được giải quyết. Việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2020 đã được Bộ TN&MT thẩm định tại thông báo số 150/TB-BTNMT ngày 6-7-2012 và đã được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 4 khóa XV (Nghị quyết số 54/NQ-HĐND ngày 19-7-2012). Tuy nhiên Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11-5-2012 của Thủ tướng Chính phủ “về quản lý sử dụng đất trồng lúa” đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2012 nhưng Thông tư hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chưa có gây nên nhiều khó khăn vướng mắc cho các địa phương trong quá trình triển khai công tác thu hồi, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Sở TN&MT đề xuất với tỉnh nên có phương án xử lý, giải quyết thủ tục hồ sơ thu hồi đất, giao đất. Sở Xây dựng đã có phương án quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ, giãn dân, tái định cư, đấu giá QSDĐ để giảm giá thành thu tiền đất và phương án bố trí quy hoạch 20% trong diện tích đất giãn dân để giao cho các hộ nghèo. Theo đó xác định quỹ đất dành cho các hộ nghèo (đối tượng chính sách) bằng 20% quỹ đất ở giãn dân và dành 10% quỹ đất giãn dân để đấu giá nhằm giảm chi phí sử dụng đất cho các đối tượng này. Về phương án chia lô, xác định diện tích cho từng ô vẫn thực hiện đồng bộ theo quy hoạch toàn khu với hạn mức quy định tối thiểu không nhỏ hơn 50m2 và tối đa không lớn hơn 100m2 đối với đất dịch vụ, giãn dân; Các diện tích lớn hơn 100m2 tùy từng vị trí quy hoạch cụ thể dành cho quỹ đất đấu giá hoặc theo nhu cầu của từng hộ đất tái định cư. Song việc đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp cho các hộ nghèo ở nông thôn hiện nay là khó khả thi vì chi phí đầu tư xây dựng cho 1m2 còn khá cao không đáp ứng thu nhập của người dân. Mặt khác nhu cầu sinh hoạt của người dân nông thôn cũng không phù hợp, người dân không giao quyền sở hữu đất… Về cơ chế giao đất ở, thu tiền sử dụng đất cho các hộ nghèo đề nghị UBND tỉnh giao Sở TN&MT phối hợp với Sở Tài chính và các địa phương nghiên cứu đề xuất theo đúng quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở. Đối với phương án quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng các khu đất dịch vụ, giãn dân, tái định cư, đấu giá QSDĐ, để giảm giá thành thu tiền sử dụng đất, Sở Xây dựng đã đưa ra một số đề xuất như: đối với các khu vực trong đô thị, đề nghị đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng theo quy hoạch, không thực hiện san nền trong các ô đất dịch vụ. Đối với các khu vực nông thôn đề nghị chỉ triển khai thực hiện đầu tư xây dựng phần nền đường, cấp phối mặt đường, làm hệ thống thoát nước thải sinh hoạt cho các băng dân cư, hệ thống cấp điện sinh hoạt. Các phần hoàn thiện như thoát nước mặt đường, lát hè, bó vỉa, chiếu sáng, cấp nước sạch (nếu có) thực hiện theo hình thức nhân dân đóng góp hoặc nhà nước và nhân dân cùng làm. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo đề xuất phương án xây dựng lập dự toán đầu tư, hình thức, phương thức thẩm định. Một số ý kiến của các huyện thành thị đề nghị xem xét, giảm giá các loại đất. Các xã, phường, thị trấn chủ động lựa chọn địa điểm quy hoạch, tận dụng quỹ đất công ích của địa phương và có cơ chế xét duyệt đất dịch vụ cho các hộ có đất SXNN bị thu hồi để thực hiện dự án đất dịch vụ được ưu tiên xét duyệt tiêu chuẩn đất dịch vụ ngay trong dự án… Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Quang Hùng yêu cầu các huyện, thành, thị chấn chỉnh chế độ báo cáo để trình UBND tỉnh có biện pháp giải quyết những khó khăn vướng mắc trong thời gian sớm nhất. Sở Xây dựng cần bổ sung 2% quỹ đất nghèo cho nhà ở xã hội. Sở Tài chính phối hợp cùng Kho bạc, Thuế, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng khẩn trương xây dựng toàn bộ quy trình thủ tục phân chia, khấu trừ, gắn thời gian tối đa không quá 1 tuần làm thủ tục để các chủ đầu tư rút được tiền nhanh chóng, thuận tiện. Có quy định giá tiền cho từng khu vực, từng lô đất. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị là phải lo nhà ở cho dân, vì vậy nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh là lo đất giãn dân. Do vậy các sở, ngành, huyện, thành thị phải có quy trình cụ thể để sớm giao đất cho dân để ổn định lòng dân. Tin, ảnh Nguyễn Hoàn |