Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2009, tỷ lệ người cao tuổi (NCT) của Vĩnh Phúc chiếm 9,9% dân số, tổng số NCT từ 60 tuổi trở lên là 96.847 người. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể, đời sống vật chất tinh thần của NCT trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng và nâng cao. Việc thực hiện chính sách đối với NCT đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Số NCT từ 80 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội là hơn 21.200 cụ, với mức trợ cấp hàng tháng 249.000 đồng. Nhiều mô hình như: CLB thể dục dưỡng sinh, CLB thái cực quyền, CLB thơ... được tổ chức và củng cố ở các địa phương, thu hút hàng chục nghìn hội viên NCT tham gia. Hoạt động thăm khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho NCT hàng năm được duy trì thường xuyên. Tuy nhiên, NCT ở Vĩnh Phúc cũng nằm trong tình trạng chung của NCT trong cả nước, phải đối mặt với nhiều tiềm ẩn của bệnh tật và nghèo đói, tỷ lệ NCT mắc các nhóm bệnh không lây nhiễm chủ yếu như: Bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường, động kinh và trầm cảm ngày càng tăng. NCT phải đối mặt với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa và tác động của các căn bệnh mãn tính. Đời sống vật chất của một số NCT còn rất khó khăn, ít có tiết kiệm để chi tiêu khi tuổi già. Còn không ít trường hợp NCT gặp khó khăn về đời sống tinh thần. Từ thực tế đó, việc xây dựng và triển khai Đề án tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng sẽ góp phần nâng cao thể chất, tinh thần và tuổi thọ cho NCT, thể hiện tính nhân văn và sự quan tâm của toàn xã hội. Với mục tiêu chung nhằm cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho NCT, nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Phấn đấu đến năm 2015, 80% NCT được phổ biến các kiến thức để tự nhận biết và biết cách tự chăm sóc về các bệnh thường gặp ở NCT; 50% NCT được phục hồi chức năng tại trạm y tế; 100% xã triển khai mô hình xây dựng và duy trì mạng lưới tình nguyện viên làm công tác tư vấn, chăm sóc NCT... Giai đoạn 2012 - 2015, triển khai thực hiện tại 24/137 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, ưu tiên cho các xã có tỷ lệ NCT lớn. Các ý kiến thảo luận của các đại biểu tại hội nghị tập trung vào việc xem xét, khảo sát lại công tác tư vấn, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh định kỳ cho NCT tại các địa phương; công tác tập huấn, nâng cao kỹ năng, cũng như đảm bảo chế độ trợ cấp cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, tình nguyện viên; tập trung hỗ trợ một số thiết bị theo dõi, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho NCT trên địa bàn tỉnh; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB dành cho NCT... Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thị Tuyến đề nghị lãnh đạo Sở Y tế rà soát lại các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của Đề án; khảo sát lại các chỉ báo tại địa bàn triển khai Đề án sao cho sát với tình hình thực tế ở các địa phương; thống nhất lại thời gian triển khai thực hiện Đề án là 2012 - 2020, chia ra 2 giai đoạn (2012 - 2015 và 2015 - 2020). Đồng chí yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan nâng cao tinh thần trách nhiệm và có sự phối hợp chặt chẽ; đồng thời các ngành, đơn vị trong tỉnh cần chú trọng vào công tác tuyên truyền, phổ biến để toàn cộng đồng nhận thức tốt hơn vai trò của NCT, nâng cao chất lượng tư vấn, khám chữa bệnh định kỳ tại các cơ sở y tế; góp phần đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT trên địa bàn tỉnh. Tin, ảnh Việt Sơn |