Tại buổi làm việc, Đoàn kiểm tra nghe BCĐ báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án; cơ sở vật chất, phương tiện, nguồn nhân lực cho hoạt động giám định tư pháp; những khó khăn liên quan đến chính sách, thể chế. Báo cáo tình hình cho thấy, việc triển khai thực hiện Đề án 258 được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo. Việc tổ chức tuyên truyền pháp luật về giám định tư pháp đã tác động tích cực làm cho nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức các ngành, các cấp và nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa của hoạt động giám định tư pháp được nâng lên. Tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác giám định, cơ sở vật chất của các tổ chức giám định tư pháp được quan tâm đầu tư; chất lượng hoạt động giám định tư pháp cơ bản đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng, góp phần bảo đảm TTATXH, ổn định và phát triển KT- XH ở địa phương. Hoạt động giám định tư pháp có chuyển biến tích cực, hỗ trợ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng. Đội ngũ giám định viên tư pháp của tỉnh có chất lượng tương đối đồng đều, nhiều người có trình độ trên đại học, có kinh nghiệm, gắn bó với hoạt động giám định tư pháp. Quá trình hoạt động, các giám định viên đều tuân thủ pháp luật, tuân theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo chất lượng việc giám định, không để xảy ra tình trạng xung đột giám định, giám định lại, không có tình trạng vi phạm pháp luật, vi pham đạo đức nghề nghiệp bị xử lý. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Đề án 258 có lúc, có nơi, có việc chưa đồng bộ; đội ngũ giám định tư pháp còn thiếu về số lượng, nhiều lĩnh vực còn thiếu giám định viên như thuế, chứng khoán, sở hữu trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm; đặc biệt, trong lĩnh vực pháp y và pháp y tâm thần thiếu giám định viên chuyên trách; kinh phí để hiện đại hoá trang thiết bị phục vụ giám định tư pháp còn nhiều bất cập. Qua báo cáo, Đoàn Kiểm tra đề nghị BCĐ Đề án 258 của tỉnh làm rõ một số nội dung: Nguồn kinh phí đầu tư cho những lĩnh vực gì; thực hiện bao nhiêu vụ giám định pháp y, pháp y tâm thần/năm; giám định pháp y tâm thần trong điều kiện ma tuý phát triển có gì khó khăn; số lượng giám định viên pháp y, pháp y tâm thần; việc thu hút các tổ chức tham gia giám định; thu hút cán bộ; bồi dưỡng chuyên môn; định hướng thành lập Văn phòng giám định tư, nhất là văn phòng giám định chuyên về tư pháp… Trao đổi tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung vào vấn đề: Nguồn nhân lực; chế độ chính sách cho đội ngũ giám định viên; khó khăn trong giám định thương tích, tâm thần, xây dựng cơ bản, tài chính, thuế; tập huấn cho các đồng chí tham gia giám định; quy chế trực, phụ cấp thâm niên, phụ cấp đặc thù, phụ cấp nghề cho đội ngũ giám định pháp y; định giá tài sản phục vụ cho công tác tố tụng; bảo vệ kết luận giám định. Kết luận buổi làm việc, đồng chí Kiều Định Thụ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ghi nhận sự quan tâm, đầu tư của các đồng chí lãnh đạo tỉnh đối với hoạt động giám định tư pháp; việc triển khai thực hiện đề án của tỉnh bài bản, có phê duyệt kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo; ban hành đựơc quy chế làm việc; quan tâm đầu tư kinh phí cho hoạt động giám định tư pháp. Những khó khăn, vướng mắc của tỉnh trong hoạt động giám định tư pháp được Đoàn tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp TW. Bạch Dương |