Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng là một trong 3 phong trào thi đua lớn do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động. Được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và sự tham gia tích cực của hội viên, nông dân, trong 5 năm qua, toàn huyện đã có 66.797 lượt hộ nông dân đăng ký sản xuất giỏi các cấp. Kết quả bình xét theo các tiêu chí kinh tế hộ, đã có gần 50 ngàn lượt hộ đạt các tiêu chuẩn, tăng 14.249 hộ so với nhiệm kỳ trước. Chỉ tính riêng năm 2011, toàn huyện có 7.642 hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó, 94 hộ SXKD giỏi cấp Trung ương, 418 hộ SXKD giỏi cấp tỉnh, 2.217 hộ cấp huyện và 5.913 hộ cấp cơ sở. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn phát triển. Từ phong trào này, nông dân Yên Lạc đã đẩy nhanh việc dồn điền, đổi thửa, dồn ghép ruộng đất, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các mô hình kinh tế nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng chục ngàn lao động. Đã xuất hiện hàng trăm mô hình sản xuất tiêu biểu trên các lĩnh vực như: Hộ ông Đỗ Văn Kim ở xã Trung Kiên đầu tư 198 triệu đồng trên diện tích 1,5ha trồng 400 cây bưởi Diễn, 120 cây cam Canh, 100 cây táo lai cho thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm; hộ ông Doãn Văn Tài ở xã Hồng Phương đầu tư 500 triệu đồng làm cây cảnh trên diện tích 350m2, thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm và giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động; hộ ông Nguyễn Ngọc lan ở Liên Châu trồng chuối tây và chuối tiêu hồng, thu nhập 150 triệu đồng/năm... Nhiều mô hình kinh tế mới phát triển như: mô hình nuôi hươu sao, chồn nhung, nuôi nhím sinh sản, nuôi lơn rừng, mô hình nuôi dê, nuôi bò sinh sản, nuôi ếch, nuôi dế, các trang trại trồng cây cảnh, cây ăn quả, trồng hoa, trồng rau hữu cơ, trồng nấm ăn, nuôi thuỷ đặc sản, các mô hình chăn nuôi bò thịt, nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo hướng công nghiệp… mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ở nhiều xã, thị trấn, nông dân đã liên kết với các công ty, các nhà khoa học tổ chức sản xuất cây, con giống để cung cấp cho thị trường, nhất là sản xuất các giống gà chất lượng cao, cá giống, nhím, chồn nhung ở Tam Hồng, Tề Lỗ, Trung Nguyên không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần nâng cao trình độ khoa học, kỹ thuật, trình độ tổ chức sản xuất cho nông dân. Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đã có hàng trăm nông dân trở thành chủ doanh nghiệp, tiêu biểu như các ông, bà: Nguyễn Văn Biện, Nguyễn Thị Hải ở xã Đồng Văn sản xuất thép phế liệu thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm; ông Dương Quang Hùng, chủ doanh nghiệp Hoàng Yến ở xã Yên Đồng sản xuất chăn, ga, gối, đệm trên dây chuyền hiện đại thu nhập 300 đến 400 triệu đồng/năm. Cùng với thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, cán bộ, hội viên, nông dân huyện Yên lạc còn đóng góp xây dựng Quỹ ''Ngày vì người nghèo'', tích cực tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau thông qua phổ biến kinh nghiệm làm ăn, giúp đỡ nhau về vốn, cung cấp giống cây, con, tạo việc làm tại chỗ. Năm năm qua, các cấp hội đã vận động hội viên giúp đỡ nhau được trên 2 tỷ đồng, gần 200 tấn lương thực, hàng chục ngàn cây, con giống, 14.000 ngày công lao động, hàng năm giúp đỡ được từ 120 đến 150 hộ nông dân thoát nghèo. Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư'', các cấp Hội đã vận động nông dân xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng thôn, làng văn hoá. Năm 2011, đã có 91,9% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa, 95% số thôn, làng đạt tiêu chuẩn làng văn hóa, tăng 7% so với năm 2007. Phong trào nông dân tích cực tham gia thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'' gắn với thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội, mừng thọ; phòng, chống các tệ nạn xã hội, HIV/AIDS, nghiện hút ma tuý; tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông; chấp hành chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, ý thức bảo vệ môi trường ở hầu hết các xã, thị trấn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều xã, thị trấn như Tam Hồng, Trung Nguyên, Hồng Châu, Trung Hà đã tổ chức và hoạt động có hiệu quả các câu lạc bộ nông dân như: Câu lạc bộ gia đình nông dân văn hoá, Câu lạc bộ gia đình nông dân hạnh phúc, câu lạc bộ thơ, dưỡng sinh, các đội văn nghệ quần chúng... thu hút đông đảo các hội viên là nông dân (toàn huyện đã có 12 CLB nông dân đã và đang hoạt động có hiệu quả). Nhiều hoạt động văn hóa có ý nghĩa và phong trào thể dục thể thao quần chúng ở nông thôn cũng diễn ra sôi nổi và thu hút số lượng lớn hội viên, nông dân tham gia. Điển hình như cuộc thi “Tiếng hát đồng quê'', các giải bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng. Nhiều tổ chức Hội đã tích cực tổ chức cho nông dân tham gia Ngày hội văn hoá, thể thao, dự thi cấp huyện, cấp tỉnh. Tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới”, các cấp Hội tiếp tục vận động nông dân xây dựng và bảo vệ cơ sở hạ tầng nông thôn với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Do đó, nhiều hệ thống kênh, mương, đê, cầu, cống, trường học, trạm xá, nhà văn hóa được xây dựng và hoàn thành. Phong trào nông dân đóng góp công sức, tiền của xây tặng nhà tình nghĩa, tình thương cho những hộ không có nhà ở tiếp tục phát triển. Những năm qua, đã có hàng trăm hộ khó khăn được xây tặng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương. Hưởng ứng chủ trương dồn ghép ruộng đất theo Nghị quyết 02 của Huyện ủy và phục vụ quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đã có hàng trăm nông dân tình nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, góp phần cùng với Nhà nước tháo gỡ những khó khăn chung, tạo động lực mạnh mẽ để Yên Lạc phấn đấu toàn huyện trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2015. Thành Vân - Khánh Ly |