Nghề mộc ở đây hình thành và tồn tại hàng trăm năm nay, từ chỗ làm thủ công đến nay đã được thay thế bằng các loại máy móc hiện đại có công suất cao như: máy soi 5 tác dụng, dây chuyền soi bào 4 mặt, máy cắt góc, máy cưa vòng, máy tiện, máy phay, bào, phun sơn, trà bụi. Các sản phẩm của làng nghề chủ yếu là bàn ghế, giường, tủ, kệ, án gian, tủ thờ, hoành phi, câu đối, đồ trang trí nội thất. Không chỉ đóng góp về ngân sách, các DN trên địa bàn thị trấn Yên Lạc còn góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, tạo cơ hội thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, TTATXH trên địa bàn. Có thể nói rằng, những năm qua, nhiều DN trên địa bàn thị trấn đã vượt qua khó khăn trong thời buổi lạm phát, giá cả biến động; tiếp tục duy trì và ổn định sản xuất; đảm bảo đời sống cho người lao động và góp phần quan trọng vào nguồn thu ngân sách ở địa phương. Tuy nhiên, do nguồn vốn của các chủ DN còn hạn chế; hầu hết các DN trên địa bàn thị trấn hoạt động từ nguồn vốn vay ngân hàng nên gần đây gặp khó khăn, lúng túng khi ngân hàng thực hiện chính sách thắt chặt tín dụng… Đặc biệt là từ năm 2009 đến nay, trước sự tác động ảnh hưởng của khủng hoảng nền kinh tế toàn cầu và sự cạnh tranh gay gắt trong cơ chế thị trường và thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ đã tác động trực tiếp đến việc sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp. Theo con số thống kê của thị trấn Yên Lạc, đến tháng 7-2012, thị trấn có 15 doanh nghiệp sản xuất nghề mộc đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, rơi vào hoàn cảnh điêu đứng, sản xuất manh mún, cầm chừng. Để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và những khó khăn của các DN trên địa bàn thị trấn, chúng tôi đã trực tiếp làm việc với chủ Doanh nghiệp Tư nhân Sản xuất và Thương mại Tiến Thanh. Qua nắm bắt tình hình, hiện nay DN vẫn đang duy trì hoạt động, tuy nhiên DN cũng đứng trước những khó khăn khó tháo gỡ. Để phát triển nghề truyền thống tại địa phương, doanh nghiệp đã đầu tư hàng tỷ đồng xây xưởng, mua máy móc, nguyên liệu gỗ. Doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho 50-60 lao động, thu nhập trung bình từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2009 đến nay, do ảnh hưởng lạm phát, nguyên liệu đầu vào tăng, giá thành sản phẩm thấp lại khó tiêu thụ, hàng tồn kho nhiều, trong khi tiền công trả cho người lao động cao nên doanh nghiệp chỉ dám hoạt động cầm chừng. Từ một cơ sở chuyên sản xuất kinh doanh đồ mộc lớn nhất nhì ở thị trấn Yên Lạc nhưng đã có những lúc doanh nghiệp này đứng trên bờ vực phá sản vì ngay cả tiền lãi vay ngân hàng doanh nghiệp cũng không lo trả đúng thời hạn. Hàng hóa làm ra không bán được, không được giải ngân vốn, DN phải hoạt động cầm chừng, trang thiết bị máy móc để không, lãi suất ngân hàng cao, nợ thuế, không có tiền trả lương cho công nhân. Những chính sách hỗ trợ DN từ việc giãn thuế, giảm thuế mới chỉ giải quyết một phần rất nhỏ khó khăn của DN. Với tình hình các DN khó khăn về tài chính, ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, ngoài việc trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách địa phương còn tác động rất lớn đến xã hội. Đúng thời điểm này Thông đốc Ngân hàng Nhà nước đã có Chỉ thị số 01 về tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và Doanh nghiệp Tư nhân Sản xuất và Thương mại Tiến Thanh được Ngân hàng trên địa bàn tỉnh gặp gỡ tìm hiểu thực tế giảm mặt bằng lãi suất xuống mức quy định là 15%/năm, đồng thời cơ cấu lại nợ cho DN nới lỏng cho vay. Nhờ vậy DN Tiến Thanh đã có vốn để tái tạo sản xuất và đang có những dấu hiệu tích cực. Đại diện DN cho biết, đối với những mặt hàng đồ mộc theo quy luật vào những tháng cuối năm bán chạy nhất, do vậy Ngân hàng cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất trong lúc này là rất kịp thời, giúp các DN sản xuất đồ mộc nói chung vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất để ổn định sản xuất kinh doanh. Cùng với Doanh nghiệp Tư nhân Sản xuất và Thương mại Tiến Thanh nói riêng, hiện nay một số DN ngừng hoạt động hoặc hoạt động theo kiểu cầm chừng rơi vào các DN phải sử dụng vốn vay trên địa bàn toàn tỉnh đã được “cứu cánh” với nhiều giải pháp. Trước mắt, ngoài những chính sách quản lý vỹ mô và những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho DN gần đây như thực hiện miễn, giảm, giãn thuế và hạ lãi suất ngân hàng của Chính phủ, tỉnh ta đã thực hiện hỗ trợ DN bằng việc chỉ đạo quyết liệt việc giải ngân các nguồn vốn để tháo gỡ cho DN trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên giải pháp về lâu dài, tỉnh cần có những hoạch định chiến lược cho phát triển DN, đồng thời có những đánh giá đúng thực trạng các DN để có những chính sách hỗ trợ DN “Còn khả năng” để tiếp tục phát triển. Về phía các DN cần chủ động trong chiến lược sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại DN, có kế hoạch đầu tư sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế, chủ động kinh doanh những ngành có lợi thế có điều kiện phát triển ở quy mô hợp lý; tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm. Tận dụng tối đa sự hỗ trợ của nhà nước, vượt qua khó khăn ổn định sản xuất, nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp và thực hiện tốt các quy định của nhà nước, của tỉnh trong sản xuất kinh doanh để tiếp tục duy trì và phát triển. Nguyễn Hoàn |