Mặc dù tổng số hộ nông thôn so với năm 2006 tăng hơn 23.917 hộ (12,3%) do số hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản khu vực thành thị tăng nhanh (trên 24,2%) do quá trình đô thị hóa và một số xã được nâng cấp thành phường, thị trấn, song, nhìn chung, các thành phần kinh tế hộ đã phản ánh đúng xu thế chuyển dịch cơ cấu ngành nghề và cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn của tỉnh. Nếu như năm 2006, tỷ trọng hộ nông, lâm, thủy sản ở khu vực nông thôn chiếm 69,66% thì đến măn 2011 đã giảm nhanh, còn dưới 57,09%; trong khi đó, tỷ trọng hộ phi nông nghiệp chiếm 42,91%, tăng 12,57% so với năm 2006. Đây là sự chuyển dịch tích cực và đúng hướng theo tinh thần Nghị quyết đã đề ra. Ở khu vực nông thôn, ngành nghề sản xuất phi nông, lâm, thủy sản ngày càng phát triển đa dạng và khá phong phú nên nguồn thu nhập của các hộ cũng có sự thay đổi. Tỷ trọng hộ có nguồn thu nhập lớn nhất từ nông, lâm, thủy sản chiếm 46,53%, giảm 18,77% so với năm 2006; hộ có nguồn thu lớn nhất từ công nghiệp, xây dựng chiếm 24,96%, tăng 12,26%; hộ có các nguồn thu lớn nhất từ dịch vụ, thương mại và du lịch chiếm 22,06%, tăng 5,26%; hộ có nguồn thu khác chiếm 6,45%, tăng 1,25%. 9 tháng đầu năm 2011, các hộ chăn nuôi đã sản xuất sản lượng thịt trâu đạt 1.864 tấn, tăng 123 tấn so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò đạt trên 5.475 tấn, tăng 16,89%; sản lượng sữa bò tươi đạt 3.616,3 tấn, tăng 6,52%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 64.134,8 tấn; thịt gà đạt 18.219 tấn; 228,4 triệu quả trứng gà, 74 tấn mật ong, 1.483 tấn thịt chó, 179 tấn thịt rắn... Sản lượng cây lương thực có hạt năm 2011 đạt trên 34 vạn tấn. 6 tháng đầu năm 2012, do tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mở rộng quy mô sản xuất, sản phẩm hàng hóa ở nhiều lĩnh vực trong thành phần kinh tế hộ tiếp tục tăng cao như sản lượng sữa bò tươi tăng 56,5%, thịt lợn hơi xuất chuồng tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2011. Số lao động trong độ tuổi giảm từ 751,74 ngàn người năm 2006 xuống còn 688,21 ngàn người năm 2008 và còn 600 ngàn người (ước tính năm 2012); trong đó, số lao động trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản từ 383,49 ngàn người năm 2006 giảm xuống còn dưới 300 ngàn người năm 2011. Xuất hiện ngày càng nhiều các hộ bứt phá khỏi tình trạng tự cung, tự cấp vươn lên sản xuất hàng hóa, trong đó, phương thức trang trại gia đình phát triển mạnh và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ở các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phát triển kinh tế hộ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay đang còn nhiều bất cập. Khó khăn và thách thức lớn đối với nông dân nói chung và kinh tế hộ nói riêng là sự chênh lệch khá lớn về năng suất lao động giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Đây là một trong số các nguyên nhân chính đang làm tăng khoảng cách cả thu nhập lẫn mức chi tiêu giữa nông thôn và thành thị... Thêm vào đó, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn tuy đã giảm mạnh nhưng trong nông thôn, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, số hộ nghèo vẫn còn chiếm tỷ trọng cao. Tính bền vững trong các trường hợp thoát đói nghèo trong nông nghiệp, nông thôn không chắc chắn, do thiên tai, dịch bệnh, hoặc ốm đau... Điểm xuất phát thấp, tốc độ phát triển chậm, rủi ro lớn, thì khoảng cách khó có thể rút ngắn nếu không có những giải pháp mang tính đột phá. Đ.Q.G |