Tốt nghiệp Đại học nông nghiệp I chuyên ngành Thú y, bác sỹ thú y Lê Văn Hoạt được về “thử sức” tại Trạm Thú y Vĩnh Lạc. Thỏa ước nguyện cống hiến năng lực và kiến thức của mình về chuyên ngành được học ở giảng đường đại học, anh luôn yêu nghề và ý thực tự học hỏi để trau dồi kinh nghiệm từ sách vở, đồng nghiệp, đặc biệt là những người đi trước. Năm 1997, Vĩnh Phúc tái lập, anh được phân công về Trạm Khuyến nông Vĩnh Tường. Năm 2006, được UBND huyện bổ nhiệm giữ chức Trưởng trạm Khuyến nông. Đến tháng 11/2010 được bổ nhiệm giữ chức phó Trưởng phòng NN&PTNT, kiêm Trưởng trạm Khuyến nông huyện. Gần 30 năm gắn bó với nghề, ở cương vị nào, anh cũng luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Tường. Ở một môi trường hoạt động phù hợp với nghề nghiệp được đào tạo, lại đảm nhận cương vị lãnh đạo cơ quan, anh càng có điều kiện phát huy được năng lực chuyên môn và những đề xuất của mình với lãnh đạo cấp trên về công việc. Anh đã cùng với Ban lãnh đạo Phòng tham mưu cho UBND huyện định hướng chỉ đạo sản xuất và thực hiện công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực chăn nuôi - thuỷ sản trên địa bàn. Xác định chăn nuôi bò là đối tượng có nhiều tiềm năng, lợi thế trong sản xuất hàng hóa của huyện, anh đã tham mưu đề xuất cho huyện nhiều giải pháp trong chỉ đạo thực hiện công tác cải tạo, lai tạo bò thịt bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; xây dựng các dự án về phát triển chăn nuôi bò sữa như dự án mở rộng đầu tư cải tạo và phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa giai đoạn 2003-2006; Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2011-2015. Nhờ vậy, chăn nuôi bò ở huyện Vĩnh Tường không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, tỷ lệ lai của đàn bò thịt Vĩnh Tường chiếm hơn 97%. Toàn huyện có 617 hộ chăn nuôi bò sữa với tổng số 2.297 con; sản lượng sữa bò tươi hàng hoá 6 tháng đầu năm 2012 đạt 2.442 tấn, tăng 742,141 tấn so với năm 2011; trung bình 01 bò sữa khai thác có năng suất 5,0 tấn sữa/chu kỳ/năm, đạt 24-26 triệu đồng/com/năm. Ngoài ra, anh còn là người tích cực tham gia dự án “Nâng cao kỹ thuật chăn nuôi bò sữa cho các trang trại quy mô vừa và nhỏ ở Việt Nam” do chính phủ Nhật Bản hỗ trợ thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Vĩnh Phúc. Còn nhớ, năm 2000, khi nghề nuôi bò sữa mới được triển khai thí điểm mô hình tại xã Vĩnh Thịnh, những kiến thức cơ bản về kỹ thuật chăm sóc, làm chuồng trại cho đến chữa trị những bệnh tật thông thường trên bò sữa đối với các hộ nông dân là cả một vấn đề nan giải, anh Hoạt đã không kể nắng, mưa, hầu như ngày nào cũng xuống cơ sở phối hợp với đội ngũ chuyên môn kỹ thuật chuyển giao kỹ thuật cho người chăn nuôi. Đến nay, hầu hết người chăn nuôi bò sữa của huyện Vĩnh Tường đã nắm bắt được kiến thức cơ bản trong công tác chọn giống, chăm sóc. Bên cạnh công việc và tâm huyết phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa, anh còn tham mưu cho huyện đẩy mạnh và khuyến khích các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm; phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá quy mô trang trại. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, thuỷ sản cho các hộ nông dân, nhất là về công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Nhờ vậy, trong nhiều năm qua, trên địa bàn huyện không có dịch bệnh xảy ra. Nhiều hộ chăn nuôi đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Những năm gần đây, với cương vị là Trưởng trạm Khuyến nông huyện, anh đã tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá có giá trị kinh tế cao. Triển khai ứng dụng thành công nhiều mô hình sản xuất mới có hiệu quả... góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Tâm sự với chúng tôi, anh Hoạt bày tỏ: Bên cạnh công tác quản lý Nhà nước, thì nghề chăn nuôi - thú y khá vất vả, bận rộn, nhưng bù lại tôi có niềm vui lớn là được bà con tin tưởng vì đã giúp và gỡ rối những thắc mắc liên quan đến kỹ thuật chăn nuôi - thú y mỗi khi gặp khó khăn, và với anh công việc nghề còn có bao kỷ niệm vui, buồn khó quên. Gần 30 năm gắn bó với nghề, anh Hoạt không chỉ là một cán bộ năng động, hết mình vì công việc, đam mê với nghề, một người anh, người chú đáng kính của lớp chuyên môn kế cận, niềm tin yêu, chỗ dựa của nhiều hộ chăn nuôi Vĩnh Tường mà anh còn là một người cha mẫu mực trong gia đình với những đứa con ngoan ngoãn, thành đạt. Đối với anh, đằng sau sự thành công, chính là sự hiện diện của một gia đình hạnh phúc và sự sẻ chia của mỗi người thân. Đó chính là nền tảng để anh gặt hái được nhiều thành công trên con đường mà mình đã chọn. Mai Liên |