Tuy nhiên, tìm hiểu thị trường giày dép trên địa bàn tỉnh, một điều khiến chúng tôi dễ nhận thấy đó là tại các cửa hàng hay các chợ đầu mối như Vĩnh Yên, Phúc Yên, Thổ Tang, chợ Cói… đều bày la liệt giày dép ngoại với mẫu mã rất đa dạng và đầy đủ các thương hiệu như: made in Taiwan, Korea, Hongkong…, trong đó, giày dép Trung Quốc vẫn chiếm tới 80%. Tại Chợ Vĩnh Yên, các chủ cửa hàng cho biết: bán giày dép ngoại chạy hàng hơn bởi giá rẻ và mẫu mã đa dạng phù hợp với túi tiền NTD. Chị Hồng, bán hàng giày dép tại chợ cho biết: Hàng Trung Quốc tràn sang nước ta chinh phục NTD bằng giá rẻ và chủ yếu toàn đồ thấp cấp, trung bình chỉ từ 150.000 - 250.000 đồng/đôi. Đa số giày da Trung Quốc đang bán trên thị trường đều dùng nguyên liệu vải giả da, vải jeans hoặc vải bố tráng phủ lớp nhựa bên ngoài trông có vẻ mềm và giống da bò thật nên giá rẻ, nhưng rất chóng hỏng, dễ bị phân hủy khi gặp nóng, lạnh hoặc ngâm nước khi đi mưa. Để tìm hiểu thị trường giày dép mang thương hiệu Việt, chúng tôi đến cửa hàng giày dép Bitis Trường Sinh tại chợ Vĩnh Yên. Chủ cửa hàng cho biết: trước đây gia đình chị chỉ bán hàng ngoại, trong đó có cả hàng Trung Quốc. Nhưng giờ đây, chị bán đầy đủ các loại mặt hàng giày dép nam nữ và trẻ em do Việt Nam sản xuất. Theo chị, những đôi có giá từ 200.000 - 300.000 đồng thì độ bền hơn hẳn hàng Trung Quốc. Những loại này bán rất chạy. Bình quân mỗi ngày chị bán được trên dưới 20 đôi hàng Việt Nam. Để các sản phẩm hàng Việt cạnh tranh được với hàng ngoại, cửa hàng của chị luôn có những chương trình khuyến mại giảm giá và đảm bảo chất lượng cho khách hàng. Ngoài ra, cửa hàng còn thường xuyên nhập những mẫu mã đẹp nên được khách hàng tìm đến mua khá đông. Chủ cửa hàng cũng khẳng định, giày dép Việt bán khá tốt, nhất là dòng cao cấp. Tuy nhiên, sản phẩm giày dép nội sản xuất còn rất ít chủng loại, chủ yếu là giày dép dành cho nam giới và trẻ em, còn giày dép của nữ giới thì rất ít, trong khi đó nhu cầu của chị em phụ nữ là rất lớn. Gần đây, NTD cũng đã biết đến Gosto - nhãn hàng cao cấp của Công ty Kinh doanh và sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Bitis), Vina Giày... Vì là dòng hàng cao cấp nên giá bán các sản phẩm này vượt hẳn mức giá bình thường. Chẳng hạn, giày dép nhãn hiệu Gosto có giá 400.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/đôi… Phải thừa nhận, về kiểu dáng, mẫu mã và chất lượng, những mặt hàng này thực sự vượt trội so với các sản phẩm cùng loại. Đây cũng là tiêu chí cạnh tranh đầu tiên mà các nhà sản xuất trong nước đặt ra khi lấn sân sang thị trường hàng cao cấp. Tuy nhiên, dường như hàng Việt mới chỉ mạnh ở phân khúc hàng thiết yếu, bình dân..., còn với các thương hiệu, nhãn hàng cao cấp thì sự xuất hiện còn khá mờ nhạt. Với mong mỏi tạo nên danh tiếng cho hàng Việt ở cả trong và ngoài nước, thời gian qua, nhiều nhà sản xuất đã mạnh dạn lấn sân sang nhóm hàng trung và cao cấp, chủ yếu là nhóm hàng tiêu dùng, thời trang. Song, ở lĩnh vực mặt hàng giày dép thì vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Dù mạnh dạn đầu tư về công nghệ, dây chuyền sản xuất và xây dựng thương hiệu, nhưng phần lớn các DN đều cho rằng thay đổi tâm lý ưa chuộng hàng ngoại của đại bộ phận NTD Việt Nam có thu nhập cao là hết sức khó khăn. Vì vậy, để các thương hiệu hàng Việt có chỗ đứng bên cạnh các thương hiệu nước ngoài, bên cạnh dùng chất lượng để giữ chân từng NTD, các DN còn phải tập trung đầu tư đa dạng hóa mẫu mã, kiểu dáng, xây dựng thương hiệu, marketing thật hiệu quả không chỉ ở các kênh phân phối cao cấp tại thị trường nội địa mà cả ở thị trường nước ngoài. Dù hàng Trung Quốc không bền nhưng vẫn giữ lợi thế giá rẻ, mẫu mã thay đổi nhanh hơn, do vậy, việc giành thị trường với hàng Trung Quốc, đối với các DN Việt Nam, vẫn là cuộc chiến không ngừng nghỉ. Trường Giang |