Mặc dù không thành lập Ban chỉ đạo CVĐ (Bộ Chính trị quy định chỉ thành lập BCĐ ở cấp T. Ư và cấp tỉnh) nhưng để CVĐ được triển khai một cách có hệ thống, Ban Thường vụ Thị uỷ Phúc Yên đã ban hành Thông tri số 05a-TT/TU ngày 10-2-2011 về việc lãnh đạo thực hiện CVĐ; đồng thời UB MTTQ thị xã cũng xây dựng Hướng dẫn số 64/HD-MT về việc thực hiện CVĐ và Ban Dân vận Thị uỷ xây dựng Kế hoạch số 01-KH/DV, tập trung chủ yếu vào hoạt động tuyên truyền cho CVĐ. Trên cơ sở đó, các cơ quan, ban, ngành trong thị xã đã thực hiện nhiệm vụ theo chức năng quản lý của mình: Hội LHPN, Hội Nông dân phối hợp với các doanh nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền; Phòng Kinh tế phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu… Với những văn bản hướng dẫn cụ thể và sự vào cuộc tích cực của tất cả các đơn vị chức năng của thị xã, Phúc Yên được đánh giá là một địa phương thực hiện tốt công tác chỉ đạo, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền thị xã trong việc để nhân dân hiểu và thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Sau 3 năm triển khai, CVĐ bước đầu thu hút sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, từng bước đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức và thói quen tiêu dùng cho nhân dân đối với các sản phẩm, hàng hoá của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Phòng VH-TT thị xã đã triển khai công tác tuyên truyền bằng hệ thống băng zôn, khẩu hiệu tại các khu chợ lớn, tập trung đông dân cư như chợ Phúc Yên, chợ Xuân Hoà, Trung tâm thương mại Đồng Sơn, siêu thị Bình Minh… và trên một số tuyến đường chính. Phúc Yên là địa bàn kinh tế phát triển, trình độ dân trí cao, lại có vị trí thuận lợi gần với thủ đô Hà Nội, thói quen mua sắm đồ dùng đắt tiền và nhập ngoại của người dân đã có từ lâu, bởi vậy để thay đổi thói quen ấy là một điều không dễ dàng. Tuy nhiên, chính lợi thế kinh tế và trình độ dân trí đồng đều cũng là điểm mạnh để Đảng bộ và chính quyền thị xã Phúc Yên hướng người dân đến gần hơn với hàng Việt, bởi người dân hiểu được ưu thế của sản phẩm Việt là chất lượng, sự an toàn và độ tin cậy. Quảng bá sản phẩm Việt là một trong những hoạt động được triển khai rất tốt của Phúc Yên. Trong 3 năm, thị xã Phúc Yên đã tổ chức 9 hội chợ bán hàng Việt Nam, thu hút hơn 142.000 lượt khách, đạt doanh thu trên 16 tỷ đồng. Ngoài ra, nhờ sự phối hợp với các cơ quan trên địa bàn thị xã mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu được sản phẩm của mình đến người tiêu dung, góp phần quảng bá thương hiệu, tăng doanh thu. UBMTTQ thị xã đã phối hợp với Công ty Rồng Vàng triển khai giao sữa tới MTTQ các xã, phường và bán được gần 900 hộp sữa trong hơn 1 tháng. Hội LHPN thị xã cùng Công ty dược Hậu Giang và Công ty Jonshson Baby mở được 2 lớp tuyên truyền cho gần 1.000 hội viên, nâng cao nhận thức cho chị em về việc “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… Mặc dù còn có những hạn chế như công tác tuyên truyền CVĐ nhiều lúc chưa được thực hiện thường xuyên, chưa tổ chức được các đợt đưa hàng Việt về nông thôn (dù hiểu rõ đây là địa bàn cần tuyên truyền mạnh mẽ vì người dân không có điều kiện kinh tế nên thường mua sắm hàng Trung Quốc giá rẻ, kém chất lượng)… Nhưng với những kết quả đạt được bước đầu trong việc vận động nhân dân tiêu dùng hàng Việt, Phúc Yên đang nỗ lực cố gắng để mọi người coi việc thực hiện CVĐ không những là quyền lợi, trách nhiệm của bản thân, mà còn là lòng tự trọng, tự tôn dân tộc. Có như vậy thì CVĐ mới thực sự trở thành nếp nghĩ ăn sâu trong mỗi người dân Việt. Mai Thơ |