Đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng, thứ 10 cả nước và cao nhất từ đầu năm đến nay, đây là những kết quả tăng trưởng kinh tế tích cực của tỉnh trong quý III/2024, góp phần tạo niềm tin, động lực to lớn để tỉnh hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả năm đã đề ra.
Công nghiệp tiếp tục phát triển, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của tỉnh. (Trong ảnh: Sản xuất linh, phụ kiện ô tô ở Công ty TNHH Ohashi Tekko Việt Nam, khu công nghiệp Bình Xuyên).
Theo thông tin từ UBND tỉnh, quý III/2024, GRDP của tỉnh ghi nhận mức tăng 10,62% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 2 ở vùng đồng bằng sông Hồng, thứ 10 cả nước và cao nhất từ đầu năm đến nay. Qua đó đưa GRDP 9 tháng năm 2024 của tỉnh tăng gần 8% so với cùng kỳ, đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp từ đầu năm đến nay tăng 12,67% so với cùng kỳ, là mức tăng cao thứ hai trong giai đoạn 2020-2024; nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh như xe máy, linh kiện điện tử, gạch ốp lát… đều tăng trưởng khá.
Hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ ổn định, không có biến động lớn về mức giá, sản phẩm đa dạng, chủng loại và mẫu mã phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ẩm thực, lữ hành, dịch vụ tiêu dùng đạt gần 60 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 9%.
Thu hút vốn đầu tư FDI đạt kết quả cao. 9 tháng năm 2024 đạt gần 510 triệu USD, vượt so với kế hoạch cả năm gần 110 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỉnh đã thu hút thành công dự án nhà máy bán dẫn hơn 100 triệu USD của Công ty CP Signetics và Tập đoàn CNC Tech.
Đây được xem là bước đột phá trong việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao tại tỉnh, đồng thời mở ra nhiều cơ hội việc làm và đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế toàn diện của tỉnh.
Việc thu hút thành công dự án cũng cho thấy Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến tiềm năng, hấp dẫn của các nhà đầu tư; các chính sách thu hút, đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư của tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả.
Thu ngân sách trên địa bàn tiếp tục đạt kết quả tốt, tổng thu 9 tháng năm 2024 đạt hơn 20,5 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 65% dự toán pháp lệnh giao, tăng 8,3% so với cùng kỳ, trong đó, thu nội địa đạt gần 17 nghìn tỷ đồng…
Có thể nói, những kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ đầu năm đến nay là rất đáng ghi nhận, đặc biệt trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức cả bên ngoài lẫn nội tại bên trong của tỉnh.
Điều này thể hiện quyết tâm, nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cũng như sự thấu hiểu, chia sẻ, chung tay, nỗ lực của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh nói chung.
Do vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm từ 7,5-8,5% theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, đòi hỏi các cấp, ngành, các địa phương phải quyết tâm cao, nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.
Trong đó, triển khai nghiêm túc, hiệu quả các công điện, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, của tỉnh về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão; huy động nguồn lực để khẩn trương khắc phục hậu quả của bão, mưa lũ để nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, khẩn trương khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Quyết liệt thực hiện nghị quyết, công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành phát triển kinh tế, xã hội... phấn đấu tăng trưởng GRDP cả năm 2024 đạt cao nhất có thể, tạo tiền đề cho năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.
Theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế để chủ động đánh giá, kịp thời tham mưu hoặc đề ra các nhiệm vụ, giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực, làm mới các động lực tăng trưởng cũ và đẩy nhanh đóng góp của các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tập trung giữ ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn; nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thu, chống thất thu ngân sách, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng các nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Điều hành chi ngân sách chặt chẽ, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
Trong đó rà soát thực hiện tiết kiệm chi, cắt giảm các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cấp bách, cần thiết để ưu tiên thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến chi cho con người, chính sách an sinh xã hội, các nhiệm vụ, chương trình, dự án cấp bách, trọng điểm của tỉnh.
Tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; hoàn thiện Đề án về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, thu hút các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư tại Vĩnh Phúc.
Duy trì tốt việc cấp đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng điện tử, phấn đấu đạt tỷ lệ đăng ký qua mạng cao, nằm trong tốp đầu của cả nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch và đảm bảo tỷ lệ giải ngân ít nhất 95% tổng nguồn vốn đầu tư công.
Cùng với đó, tăng cường các giải pháp phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững, nhất là trồng trọt hữu cơ; tái cơ cấu ngành chăn nuôi; bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh; tăng diện tích nuôi trồng thủy sản thâm canh, nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao… qua đó tạo sự phát triển hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực kinh tế và các khu vực dân cư.
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh