Cần có giải pháp chính sách để tăng sức hấp dẫn của giải thưởng học sinh giỏi...
Ảnh minh hoạ.
“Chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao” là một nhận định được Bộ Chính trị nêu trong Kết luận 91-KL/TW ngày 12/8/2024 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Những năm qua, thành tích mũi nhọn luôn là dấu ấn nổi bật của giáo dục phổ thông. Công tác thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tổ chức các đoàn học sinh giỏi tham dự Olympic quốc tế và khu vực tiếp tục được đổi mới ở các khâu theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bảo đảm nghiêm túc, khách quan.
Thành tích xuất sắc của các đội tuyển tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông và sự cố gắng, nỗ lực trong học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên và các nhà trường; đồng thời cho thấy hướng đi đúng đắn trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng tập huấn học sinh giỏi. Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia được Bộ GD&ĐT nhận định phản ánh chính xác, khách quan chất lượng bồi dưỡng của địa phương.
Tại những trường có truyền thống bồi dưỡng học sinh giỏi, ban giám hiệu luôn có kế hoạch dài hơi cho công tác này. Việc xây dựng kế hoạch - sản phẩm từ sự bàn bạc, thống nhất của lãnh đạo nhà trường và các tổ chuyên môn - được chú trọng với chỉ tiêu, cách làm, giải pháp hết sức tỉ mỉ, chi tiết.
Trong đó yêu cầu rõ về xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi; lựa chọn, phân công giáo viên bồi dưỡng; phát hiện, lựa chọn học sinh cho đội tuyển các bộ môn; điều kiện khác để tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi…
Những trường này luôn quan tâm đến chất lượng bài giảng; có kế hoạch bồi dưỡng liên tục, đều đặn, không dồn vào một thời điểm tạo áp lực, quá tải đối với người dạy, người học. Thầy và trò trong đội tuyển được tạo điều kiện tốt nhất, khích lệ, động viên kịp thời, xứng đáng.
Tuy nhiên, một số năm trở lại đây, công tác lựa chọn để thành lập đội tuyển ở nhà trường gặp khó khăn khi học sinh lớp 9 có giải cấp tỉnh/thành phố không được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích khi tham gia dự tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập.
Thời gian, công sức ôn luyện đội tuyển rất vất vả, năm cuối cấp phải dồn sức cho kỳ thi vào lớp 10, nên nhiều phụ huynh và cả học sinh không hào hứng, thậm chí từ chối tham gia đội tuyển. Giáo viên được phân công bồi dưỡng, bên cạnh chỉ tiêu chất lượng mũi nhọn vẫn phải bảo đảm cả chất lượng đại trà nên ảnh hưởng đến việc đầu tư cho giáo dục mũi nhọn.
Nhiều thầy cô cũng tâm tư khi chưa có chính sách nào cụ thể cho công tác này, ví dụ như được quy đổi thời gian bồi dưỡng thành tiết dạy. Kinh phí bồi dưỡng thì tùy điều kiện từng trường. Nhiều trường không thu xếp được kinh phí hỗ trợ giáo viên bồi dưỡng đội tuyển. Trường có điều kiện tốt hơn, khéo vun vén thì giáo viên có chút chế độ, dù còn ít ỏi…
Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học. Trong đó bổ sung quy định giảm định mức tiết dạy trong trường hợp giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi.
Nếu quy định được phê duyệt sẽ là nguồn động viên, khích lệ đáng kể với đối với nhà giáo được giao nhiệm vụ này. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng đội tuyển, nhiều ý kiến cho rằng cần có giải pháp chính sách để tăng sức hấp dẫn của giải thưởng học sinh giỏi; cụ thể là cơ chế ưu tiên, khen thưởng xứng đáng với người dạy và học.
Cẩm Giang (Theo giaoducthoidai.vn)