Những năm qua, quy hoạch hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh được các cấp chính quyền quan tâm, chú trọng nhằm phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Quy hoạch hệ thống đô thị là cơ sở để lập và quản lý thực hiện phát triển đô thị, được đồng bộ với các quy hoạch cấp vùng, quy hoạch tỉnh nhằm phát triển đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển KT-XH. Đồng thời hình thành các cực tăng trưởng có tính cạnh tranh, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Phát huy tối đa lợi thế của vùng, địa phương để đô thị trở thành động lực giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế, toàn tỉnh hiện có 32 đô thị được định hướng hình thành chuỗi liên kết đô thị có tính chất tác động tương hỗ phát triển, trong đó thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II giữ vai trò là trung tâm kinh tế - văn hóa, chính trị của tỉnh; thành phố Phúc Yên là đô thị loại III và 30 đô thị loại V thuộc huyện; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 45%.
Vĩnh Yên đẩy mạnh quy hoạch, phát triển các khu đô thị, nhà ở đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, tạo điểm nhấn về phát triển đô thị của tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng
Hệ thống đô thị của tỉnh đã và đang phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; một số đô thị làm tốt công tác mở rộng không gian, chất lượng kiến trúc, cảnh quan được nâng lên, bộ mặt đô thị ngày càng đổi thay tích cực.
Đẩy mạnh thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đô thị, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành chuyên môn tập trung xây dựng và ban hành các văn bản phân cấp về quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc, quản lý kết cấu hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm cảnh quan và bảo vệ môi trường.
Tạo điều kiện để đô thị được phát triển bền vững, tăng khả năng cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư xã hội hóa vào các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH và tăng thu ngân sách trên địa bàn.
Thành phố Phúc Yên là đơn vị dẫn đầu về phát triển công nghiệp và du lịch của tỉnh, thời gian qua đã huy động được nhiều nguồn lực cho phát triển đô thị, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết hợp giữa đầu tư nâng cấp, cải tạo với duy tu, bảo trì, bảo dưỡng, nhất là đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thông minh.
Nhờ đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật đô thị mà Phúc Yên luôn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT - XH và thu ngân sách hằng năm.
Thành phố Phúc Yên - một trong những trung tâm phát triển công nghiệp lớn của tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng
9 tháng năm 2024, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 52.573 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9.573 tỷ đồng, tăng 8,2%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 43.000 tỷ đồng, tăng 5,3%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 5.454 tỷ đồng, bằng 76,7% so với dự toán và bằng 126,8% so với cùng kỳ.
Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Phúc Yên Vũ Hồng Thành cho biết: Từ đầu năm đến nay, UBND thành phố đã phê duyệt 2 đồ án quy hoạch; hoàn thiện việc rà soát các tiêu chí đô thị loại II và tiêu chí xã Cao Minh thành phường. Đồng thời trình Sở Xây dựng thẩm định đồ án Quy hoạch chung thành phố Phúc Yên đến năm 2045. Đối với tiêu chí đô thị loại II, đến nay Phúc Yên đạt 72/100 điểm.
Xác định xây dựng thành phố Phúc Yên theo hướng đô thị về du lịch, sinh thái, thể thao, các cấp chính quyền trên địa bàn tiếp tục lập, hoàn thiện các đồ án quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết một số khu đô thị mới, đô thị thông minh, hướng đến trở thành đô thị kiểu mẫu cho cả nước và khu vực như đô thị du lịch Ngọc Thanh, dự án khu đô thị mới ven hồ Đại Lải…
Với mục tiêu phát triển bền vững hệ thống đô thị theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực có kiến trúc hiện đại, xanh, bản sắc, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu KT-XH, tạo hiệu ứng “tích tụ”, “kết nối” và “liên kết” chặt chẽ với các đô thị trong vùng và trên cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 891 phê duyệt quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, Vĩnh Phúc có 2 thành phố là Vĩnh Yên và Phúc Yên nằm trong quy hoạch các đô thị loại II trên cả nước được xác định giữ vị trí quan trọng trong phát KT-XH, an ninh - quốc phòng của tỉnh và vùng; liên kết hỗ trợ thúc đẩy phát triển các đô thị trung tâm cấp tỉnh, cấp huyện, tạo nên thế và lực trong tổng thể hệ thống đô thị toàn quốc và trên các hành lang, vành đai kinh tế động lực.
Cụ thể hóa mục tiêu trên, UBND tỉnh giao các sở, ngành rà soát các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đảm bảo thống nhất với quy hoạch liên quan theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 và các quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, tạo tiền đề và làm cơ sở thu hút đầu tư.
Xây dựng cơ chế chính sách đón đầu các nguồn vốn đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, đặc biệt là khu vực đầu tư tư nhân. Phát huy vai trò của cộng đồng dân cư để người dân tham gia thực hiện xây dựng đô thị, điển hình trong việc cải tạo, chỉnh trang các khu vực hiện hữu, nâng cao chất lượng đô thị, hình thành các tuyến phố văn minh...
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, công chức chuyên môn ở đô thị theo tiêu chí, tiêu chuẩn, chức danh cụ thể, nâng cao năng lực quản lý, quản trị đô thị… Gắn phát triển hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn với đảm bảo an ninh quốc phòng.
Ngọc Lan