Trên địa bàn huyện Yên Lạc hiện đã hình thành 6 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích hơn 110,7 ha, trong đó 5 CCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 62%; 3 CCN có tỷ lệ lấp đầy 100%. Các CCN đã thu hút 624 nhà đầu tư thứ cấp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), tạo việc làm ổn định cho gần 2.000 lao động với mức thu nhập bình quân 6,5 - 8,5 triệu đồng/người/tháng. Qua đó góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Trong số 3/6 CCN đạt tỷ lệ lấp đầy 100% phải kể đến CCN Yên Đồng với tổng diện tích 3,7 ha, được thành lập năm 2009 do Ban Quản lý dự án xây dựng và phát triển CCN huyện Yên Lạc làm chủ đầu tư.
Với 100% mặt bằng đã được giải phóng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản đầy đủ, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, CCN Yên Đồng hiện thu hút gần 100 cơ sở, hộ gia đình đầu tư SXKD.
Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Trung Hiếu (cụm công nghiệp thị trấn Yên Lạc) đầu tư thiết bị máy móc hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập ổn định. Ảnh: Nguyễn Lượng
Tiếp đến CCN làng nghề Tề Lỗ với tổng diện tích hơn 25 ha, được thành lập từ năm 2009, đến nay đã hoàn thành hạ tầng, thu hút hơn 300 hộ gia đình vào SXKD.
Thứ 3 là CCN thị trấn Yên Lạc với tổng diện tích 5,18 ha, đã giải phóng mặt bằng (GPMB) xong 100% diện tích, xây dựng hạ tầng, thu hút gần 100 doanh nghiệp thứ cấp, hộ gia đình vào SXKD.
Ngoài 3 CCN kể trên, CCN làng nghề Đồng Văn với tổng diện tích hơn 26,5 ha được thành lập từ năm 2012, đến nay đã đền bù GPMB hơn 24 ha, đạt hơn 90% diện tích, thu hút hơn 20 hộ, doanh nghiệp vào SXKD.
CCN làng nghề Minh Phương với tổng diện tích 33,54 ha, đã GPMB được 100% vào đầu năm 2022, đến nay đã hoàn thiện hạ tầng, thu hút được gần 10 doanh nghiệp và 20 hộ SXKD.
Riêng CCN Trung Nguyên với diện tích 19 ha đến nay đã có hơn 50% số hộ nhận tiền kiểm đếm, GPMB được hơn 60% diện tích.
Ông Dương Quang Dũng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Lạc cho biết: Yên Lạc là huyện thuần nông, công nghiệp chưa phát triển. Vì vậy, huyện luôn xác định phát triển CCN là giải pháp hữu hiệu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất.
Đến nay, các CCN trên địa bàn huyện đã thu hút 624 doanh nghiệp thứ cấp và hộ gia đình đầu tư SXKD, giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động với mức lương 6,5 - 8,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện 8 tháng năm 2024 tăng hơn 8,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, hiện một số CCN trên địa bàn còn chưa GPMB xong toàn bộ như CCN làng nghề Đồng Văn, CCN làng nghề Trung Nguyên… do các hộ chưa đồng thuận với đơn giá bồi thường Nhà nước phê duyệt. Huyện tiếp tục chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp với Ban Quản lý dự án xây dựng và Phát triển CCN huyện, các đơn vị chức năng rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể tham mưu UBND huyện chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, chủ đầu tư tập trung triển khai GPMB và đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN Đồng Văn, Trung Nguyên.
Đồng thời tiếp tục thực hiện mở rộng quy mô CCN làng nghề Minh Phương. Thành lập mới 4 CCN gồm CCN làng nghề giữa Yên Đồng với xã Vân Xuân (Vĩnh Tường) và Tề Lỗ với quy mô hơn 73ha. Phấn đấu đến năm 2030, toàn huyện sẽ có 10 CCN với tổng diện tích hơn 332,1 ha.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục phát triển 3 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn gồm KCN Yên Lạc 183 ha; mở rộng KCN Đồng Sóc 115 ha (tại xã Yên Đồng); KCN Bình Xuyên - Yên Lạc với tổng diện tích 477 ha (địa phận xã Văn Tiến là 175ha).
Hiện, huyện Yên Lạc đang tiếp tục tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt chú trọng hoàn thiện hệ thống giao thông, hạ tầng CCN.
Rà soát, bổ sung hoàn thiện quy hoạch chi tiết KCN, CCN để bảo đảm tính bền vững, lâu dài, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của huyện.
Triển khai thi công đường đô thị Tam Hồng, đoạn nối từ ĐT 305 (thôn Lâm Xuyên) đi ĐT 304 (thôn Bình Lâm); đường trục chính huyện Yên Lạc, đoạn nối từ Quốc lộ 2A tránh thành phố Vĩnh Yên (phường Hội Hợp) đi ĐT.303 (xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc); đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn nối từ đường Vành đai 4 đi đê tả sông Hồng; đường Vành đai 3, đoạn từ Mả Lọ đi ĐT.303 (đền Gia Loan); Công viên Đồng Đậu... tạo môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, đô thị, thương mại - dịch vụ.
Các KCN, CCN đã được tích hợp vào phương án phát triển CCN và quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh; quy hoạch phát triển thương mại - dịch vụ và phát triển sản xuất với diện tích hơn 400ha, làm động lực phát triển cho khu vực trung tâm và toàn huyện Yên Lạc… tạo cơ hội thu hút tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại - dịch vụ, du lịch, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả, bền vững.
Xuân Hùng