Sáng 20/9, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị "Phát triển bền vững khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc". Đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Phạm Quang Nguyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và đại diện các doanh nghiệp trong tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Chu Kiều
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông nhấn mạnh vị thế, vai trò của các KCN trên địa bàn đã đóng góp nhiều mặt cho sự phát triển KT - XH của tỉnh như thu ngân sách, tạo việc làm, xuất khẩu và hình thành ngành công nghiệp phụ trợ.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 29 KCN được quy hoạch, trong đó có 17 KCN được thành lập với tổng diện tích là 3.146 ha; 493 dự án đầu tư còn hiệu lực trong các KCN, trong đó có 376 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6,74 tỷ USD đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, giải quyết việc làm cho trên 140 nghìn lao động.
Tuy nhiên thời gian qua, việc triển khai các KCN trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như tính pháp lý về quy định khung đối với KCN chưa cao; công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng (BT, GPMB); nguồn đất san nền cho các dự án KCN gặp nhiều khó khăn; giá đất thuê cao..., khiến lợi thế cạnh tranh, tính hấp dẫn có xu hướng giảm sút.
Tham luận tại hội nghị, chủ đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp thứ cấp trong các KCN đánh giá cao môi trường đầu tư, sự đồng hành cùng các chính sách đột phá phát triển công nghiệp của tỉnh. Đồng thời đề xuất, kiến nghị một số giải pháp như cần sớm tháo gỡ các vướng mắc về BT - GPMB, xác định giá đất, nguồn vật liệu đất san lấp phục vụ triển khai các dự án...
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông kết luận hội nghị. Ảnh: Chu Kiều
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông nhấn mạnh chủ trương "Lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, động lực cho sự phát triển" là quan điểm xuyên suốt của Vĩnh Phúc qua các nhiệm kỳ.
Các ý kiến góp ý tại hội nghị là giải pháp quan trọng để Vĩnh Phúc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển bền vững các KCN, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh công nghiệp hiện đại.
Chỉ rõ những điểm nghẽn, nút thắt cần tháo gỡ, trên cơ sở quán triệt quan điểm, mục tiêu phát triển KCN bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với định hướng phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương trên cơ sở nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao.
Cụ thể, đồng chí giao Ban Quản lý các KCN tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tài chính, kinh nghiệm, năng lực quản lý; nâng cao năng lực quản lý; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các KCN...
Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các KCN thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao; trước mắt giải quyết các khó khăn, vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất; nguồn đất san nền; xác định giá đất cho các KCN.
Sở Xây dựng giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác rà soát, lập quy hoạch xây dựng KCN để phát triển các KCN mới; tham mưu cho UBND tỉnh về quy hoạch xây dựng, triển khai hạ tầng để gắn kết, đồng bộ với phát triển KCN.
Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào tỉnh.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên chia sẻ thông tin cho Ban Quản lý các KCN về tình hình lao động nước ngoài, các sự việc phát sinh liên quan đến lao động nước ngoài trong các KCN để phối hợp theo dõi, quản lý, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả; đồng thời có giải pháp phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.
Đại diện Công ty cổ phần Vina - CPK, chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Bá Thiện II trình bày các khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư. Ảnh: Chu Kiều
Sở Công Thương thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn,...; đảm bảo điện ổn định cho các KCN.
UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác BT - GPMB, giao đất cho các KCN trên địa bàn huyện; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan hỗ trợ các chủ đầu tư xây dựng các KCN.
Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác BT - GPMB cho các KCN.
Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật về KCN, khu kinh tế trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Chính phủ xem xét; tiến hành rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số quy định còn chồng chéo...
Lưu Nhung