Cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn đã khiến nhiều khu vực ở huyện Bình Xuyên bị ngập úng, nhất là các khu vực trọng điểm sản xuất công nghiệp, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Điều này đặt ra bài toán chống ngập úng ở đây cần các cơ quan chức năng sớm vào cuộc tìm lời giải.
Tuyến đường Nguyễn Tất Thành kéo dài qua Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, Khu công nghiệp Bình Xuyên 2 bị ngập úng nhiều điểm gây khó khăn, ảnh hưởng lớn đến giao thông đi lại.
Trước đây, mặc dù thường xuyên phải đối diện với tình trạng nước sông Tranh dâng cao mỗi khi có mưa bão lớn hoặc các hồ thủy lợi trên thượng nguồn xả lũ, tuy nhiên, chưa năm nào xã Tam Hợp lại phải đối mặt với tình trạng ngập úng nặng nề như ảnh hưởng của cơn bão Yagi năm nay.
Tuyến đường 302B huyết mạch phục vụ đi lại của người dân, công nhân đi các khu công nghiệp Bình Xuyên, Bá Thiện bị ngập sâu, người và phương tiện không thể qua lại do cấm đường.
Không chỉ tuyến đường 302B, tuyến đường trục chính nối thôn Hữu Bằng và thôn Ngoại Trạch ngập sâu hàng mét, người dân và chính quyền địa phương phải dựng cầu tạm bằng dàn giáo sắt để phục vụ người dân đi lại.
Ngoài ra, nhiều tuyến đường ngõ xóm trong các thôn dân cư cũng bị ngập mức độ khác nhau, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân. Tính chung toàn xã đã ghi nhận hơn 140 hộ gia đình bị ngập; hàng chục ha lúa, hoa màu, diện tích nuôi thủy sản bị ngập úng, mất trắng.
Chủ tịch UBND xã Tam Hợp Nguyễn Trọng Thành cho biết: “Khi có mưa lớn và các hồ thủy lợi trên thượng nguồn xả lũ, nước sông dâng cao, điều tiết cầu Sắt, cầu Tôn nằm trên sông Tranh thuộc địa bàn xã đóng lại để bảo vệ các xã phía Nam huyện Bình Xuyên và các khu vực huyện Yên Lạc, thành phố Vĩnh Yên.
Trong khi đó, mực nước sông Cầu dâng cao, nước sông Tranh không thoát được ra sông, thậm chí còn bị chảy ngược vào, một số tuyến đường, khu vực trên địa bàn thấp, trũng dẫn đến tình trạng ngập úng.
Địa phương mong muốn các cơ quan chức năng, UBND huyện Bình Xuyên nghiên cứu, quan tâm đầu tư nâng cấp các tuyến đường thấp trũng, nhỏ, hẹp để tránh tình trạng ngập úng, đảm bảo việc đi lại của người dân khi có mưa lớn, nước sông dâng cao”.
Không chỉ ở xã Tam Hợp, tại một số xã, thị trấn phía Bắc của huyện Bình Xuyên nằm trong vùng trọng điểm phát triển công nghiệp như Bá Hiến, Thiện Kế, Sơn Lôi, Gia Khánh cũng bị ảnh hưởng rất lớn từ ngập úng với hàng trăm nhà trọ và hàng nghìn công nhân bị ảnh hưởng.
Theo số liệu thống kê, mưa bão đã gây ra ngập úng cục bộ, giao thông bị chia cắt tại 11 điểm trong huyện Bình Xuyên; gần 400 hộ dân bị ngập úng; một số khu công nghiệp bị ngập đường vào nội khu.
Trên địa bàn thị trấn Bá Hiến (Bình Xuyên) có gần 190 hộ dân bị ngập úng.
Đặc biệt, tuyến đường 310B, tuyến đường cầu Hàm Rồng, xã Tam Hợp; cà Rạt, xã Sơn Lôi bị chia cắt, lực lượng chức năng phải điều hướng giao thông theo các tuyến khác xa hơn hàng chục kilomet khiến hàng nghìn công nhân các khu công nghiệp Bình Xuyên 2, Bá Thiện và các phương tiện vận tải nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Tuy chưa có doanh nghiệp nào phải dừng hoạt động do ảnh hưởng của ngập úng, nhưng việc công nhân chậm muộn giờ làm do phải lưu thông qua những cung đường vòng xa hơn cũng đã tác động rất lớn đến hiệu quả làm việc của doanh nghiệp.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Xuyên Lưu Văn Bắc cho biết: Khi chưa xây dựng điều tiết cầu Sắt, cầu Tôn, tình trạng ngập úng chủ yếu diễn ra ở khu vực phía Nam huyện Bình Xuyên, khu vực thành phố Vĩnh Yên, huyện Yên Lạc.
Hiện nay, khi có mưa lớn, điều tiết cầu Sắt, cầu Tôn đóng lại để ngăn nước từ các hồ thủy lợi phía trên và nước sông Tranh chảy ngược ra khu vực Sáu Vó. Nước sông Tranh không chảy ra được khu vực Sáu Vó, cũng không thoát ra được sông Cầu để ra sông Hồng do nước sông Cầu cũng ở mức cao khiến các xã, thị trấn phía Bắc huyện Bình Xuyên bị ngập úng.
Do vậy, để giải quyết tình trạng trên, mong rằng các cơ quan chức năng có thể xem xét, chỉ đạo nghiên cứu đầu tư để nâng cấp đê Sáu Vó tăng khả năng tích trữ nước cho khu vực này. Đồng thời xây dựng hệ thống điều tiết ngăn nước sông Cầu chảy vào sông Tranh và bơm thoát nước chủ động khi nước sông Tranh không thể chảy tự nhiên vào sông Cầu ra sông Hồng.
Khi mưa bão lớn, vừa bơm chủ động thoát nước vào sông Cầu đổ ra sông Hồng, vừa điều tiết nước qua cầu Sắt, cầu Tôn vào tích trữ một phần ở khu vực Sáu Vó sẽ góp phần hạn chế hiệu quả tình trạng ngập úng các xã phía Bắc của huyện Bình Xuyên, đảm bảo hoạt động sản xuất ở các khu công nghiệp trên địa bàn.
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh