Hiện nay, trên mạng xã hội đang lan truyền nhiều tin giả liên quan đến bão số 3, nhất là việc mạo danh các tổ chức, đoàn thể kêu gọi từ thiện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Trước tình hình đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương và lực lượng chức năng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tin giả, đồng thời cung cấp đến người dân những thông tin chính xác, kịp thời nhất.
Công an tỉnh giám sát chặt chẽ các thông tin được đăng tải trên các trang mạng xã hội để kịp thời ngăn chặn, xử lý thông tin giả liên quan đến cơn bão số 3 vừa qua. Ảnh: Trường Khanh
Trong suốt thời gian bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc, Đảng, Nhà nước ta cùng với cấp ủy, chính quyền các địa phương và lực lượng chức năng ngày đêm gồng mình ứng phó thì trên mạng xã hội lại xuất hiện hàng loạt tin giả khiến dư luận hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng đến ANTT cũng như quá trình cứu trợ của các tổ chức, đoàn thể.
Trong đó, phải kể đến thông tin giả về việc vỡ đập, vỡ đê, cắt điện, ngập lụt, sạt lở… xảy ra ở nhiều địa phương làm người dân đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ. Rồi một số thông tin liên quan đến vỡ thủy điện ở Bát Xát, Lào Cai và một số sự cố ở Hạ Hòa, Phú Thọ… Sau đó, các thông tin này đều được cơ quan chức năng xác minh là sai sự thật.
Nguy hiểm hơn, trước hậu quả nặng nề do cơn bão để lại, nhiều đối tượng xấu lập trang fanpage giả mạo các tổ chức, cơ quan, đoàn thể kêu gọi cứu trợ nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Đây là những hành vi vô đạo đức, thiếu tinh thần dân tộc, cần phải lên án và xử lý nghiêm.
Nhiều địa phương như Bắc Ninh, Hải Dương, Phú Thọ… cơ quan chức năng đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm đăng tải thông tin không chính xác liên quan đến cơn bão số 3. Tại Vĩnh Phúc, đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận trường hợp nào bị xử lý về việc đăng tải thông tin không đúng sự thật cũng như chưa có trường hợp nào bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến kêu gọi ủng hộ sau bão số 3.
Có được kết quả trên, không thể không kể đến vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí địa phương trong việc kịp thời cập nhật, đăng tải chính xác tin, bài về tình hình bão lũ, giúp người dân chủ động đề phòng, cảnh giác trước sự nhiễu loạn thông tin.
Theo thống kê, từ đầu tháng 9 đến nay, Báo Vĩnh Phúc đã đăng tải hơn 1.000 tin, bài với những thông tin đa chiều, chính xác, cung cấp đến bạn đọc toàn bộ thông tin về bão số 3. Ngoài những bài viết, ý kiến chuyên sâu, khuyến cáo của các cơ quan chức năng, các chuyên gia về công tác phòng chống bão lũ, ngay tại thời điểm cơn bão đổ về Vĩnh Phúc, đội ngũ phóng viên đã không quản ngại khó khăn, vất vả, nguy hiểm trực tiếp có mặt ghi nhận hình ảnh, phóng sự tại hiện trường để có những phản ánh chân thực nhất về sự tàn phá của cơn bão cũng như sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, nỗ lực của người dân trong việc chống chọi với cơn bão.
Nhờ sự chủ động, tích cực và linh hoạt đó, những thông tin trên Báo Vĩnh Phúc luôn thu hút hàng chục nghìn lượt theo dõi, truy cập. Ông Hoàng Minh Hồng, phường Liên Bảo (Vĩnh Yên) chia sẻ: Trong suốt thời gian qua, thông tin liên quan đến bão số 3 tôi đều theo dõi sát sao trên Báo Vĩnh Phúc và Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Phúc. Các ấn phẩm của Báo Vĩnh Phúc đều đưa tin nhanh, chính xác về tình trạng, ảnh hưởng của bão lũ trên địa bàn.
Bên cạnh đó còn có các bài viết phản bác tin tức sai sự thật đang lan truyền trên mạng xã hội để định hướng dư luận xã hội. Qua các kênh thông tin này, tôi cũng được biết về tình trạng lừa đảo kêu gọi từ thiện để chiếm đoạt tài sản của người dân. Từ đó, chủ động nhắc nhở mọi người trong gia đình và tuyên truyền đến bà con tổ dân phố để không sập bẫy các đối tượng lừa đảo.
Cùng với các cơ quan báo chí, các nền tảng xã hội như facebook, zalo, youtube do Công an tỉnh quản lý liên tục đăng tải tin, bài cảnh báo đến người dân. Theo đó, lực lượng chức năng làm rõ phương thức hoạt động của tội phạm; hậu quả của hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội.
Cụ thể, Điều 101 của Nghị định quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật. Trường hợp hành vi được xác định là nguy hiểm cho xã hội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 7 năm, bị phạt tiền từ 20 đến 200 triệu đồng.
Qua công tác nắm tình hình, hiện nay, trên mạng xã hội đang lan truyền nhiều tin giả liên quan đến tình hình bão lũ, do đó, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần có sự sàng lọc, không nên chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, nên nắm bắt tin tức qua các trang báo, fanpage chính thống.
Đặc biệt, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ vào các tài khoản không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện đối tượng, trang mạng, tài khoản nghi vấn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần thông báo ngay cho cơ quan công an để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.
Lê Minh