Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cấp nước Vĩnh Phúc là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của tỉnh mạnh dạn đầu tư hơn 120 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất nước sạch tại thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô để phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân các xã miền núi. Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, hiện nay, mỗi ngày nhà máy cung cấp nước sạch cho gần 5.000 hộ dân thuộc 9 xã, thị trấn của 2 huyện Sông Lô và Lập Thạch. Công ty đang mở rộng cung cấp nước sạch đến khu công nghiệp và các vùng khác trên địa bàn.
Nhà máy sản xuất nước sạch Sông Lô đang cung cấp nước sạch cho 5.000 khách hàng thuộc 9 xã, thị trấn của huyện Sông Lô và Lập Thạch
Thực hiện chủ trương thu hút doanh nghiệp (DN) tư nhân đầu tư cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn của tỉnh, năm 2018, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cấp nước Vĩnh Phúc đã mạnh dạn đầu tư 120 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất nước sạch tại thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô.
Nhà máy có tổng công suất thiết kế 16.000 m3/ngày đêm, đảm bảo nước sạch cho các hộ dân thuộc 5 xã phía Bắc huyện Sông Lô (thị trấn Tam Sơn và các xã Yên Thạch, Đồng Thịnh, Nhạo Sơn, Đồng Quế, với gần 3.000 hộ dân và cơ quan) và 3 xã thuộc huyện Lập Thạch (Xuân Lôi, Tiên Lữ, Đồng Ích, với gần 2.000 hộ dân và cơ quan) theo phân vùng cấp nước sạch của tỉnh; đồng thời, chuẩn bị cung cấp nước cho các doanh nghiệp đến đầu tư tại khu công nghiệp (KCN) Sông Lô 2 và Cụm công nghiệp (CCN) Đồng Thịnh.
Đây là 1 trong 6 doanh nghiệp tư nhân đầu tiên trên địa bàn tỉnh thực hiện dự án sản xuất nước sạch theo chủ trương mời gọi của tỉnh đầu tư vào lĩnh vực cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020.
Nhà máy sản xuất nước sạch Sông Lô sử dụng công nghệ hiện đại của Việt Nam bằng phương pháp xử lý lắng, lọc cát loại trừ cặn cứng lơ lửng và loại trừ vi khuẩn, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Công nghệ này đã được ứng dụng tại nhà máy sản xuất nước sạch Tam Dương cùng nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và được các nhà khoa học chuyên ngành đánh giá cao về công nghệ và chất lượng sản phẩm.
Đây là phương pháp sử dụng công nghệ xử lý nước hợp khối bằng những loại vật liệu thép được sơn chống gỉ, chống ăn mòn; vật liệu inox, chống ăn mòn, bền và bóng, vật liệu composite có cấu tạo từ nhựa polyester và sợi thủy tinh...
Do được đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc gia và khai thác nguồn nước tự nhiên đầu vào tương đối sạch trên sông Lô, nhà máy sản xuất nước sạch Sông Lô đã được Sở Y tế Vĩnh Phúc cấp Giấy chứng nhận chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; quy trình sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018; được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn.
Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cấp nước Vĩnh Phúc Lê Thị Kim Thanh cho biết: Nhận thức sâu sắc nhu cầu nước sạch của người dân vùng nông thôn miền núi cũng như tiềm năng sử dụng nước sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư nhà máy nước sạch tại huyện Sông Lô để phục vụ nhân dân, hướng tới phục vụ sản xuất công nghiệp.
Sau một thời gian nỗ lực giải phóng mặt bằng thi công xây dựng, tháng 9/2019, nhà máy hoàn thiện và đi vào hoạt động giai đoạn 1, cấp nước sạch cho các hộ dân thuộc thị trấn Tam Sơn và các cơ quan, đơn vị gần kề với trung tâm huyện.
Tháng 12/2022, nhà máy tiếp tục hoàn thành giai đoạn 2 và quyết toán công trình đưa vào hoạt động toàn bộ nhà máy với tổng công suất thiết kế 16.000 m3/ngày đêm. Hiện, đang cấp nước cho gần 5.000 hộ dân với sản lượng nước sạch thành phẩm gần 4.000 m3/ngày đêm, giải quyết việc làm cho 15 lao động với mức lương trung bình 8 triệu đồng/người/tháng. Về giá bán nước sạch, công ty hiện đang bán theo khung giá của UBND tỉnh quy định.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Sông Lô cho biết: Việc triển khai xây dựng nhà máy sản xuất nước sạch trên địa bàn là niềm vui lớn của nhân dân huyện Sông Lô, trên thực tế đã giải quyết được “cơn khát” nước sạch của nhân dân trong điều kiện nguồn nước ngầm và nước mặt đang có nguy cơ ô nhiễm, dễ gây dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tuy nhiên, do người dân còn thói quen sử dụng nước giếng khoan, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên số hộ sử dụng nước sạch của nhà máy còn hạn chế. Huyện sẽ chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước sạch theo chuẩn nông thôn mới để bảo vệ sức khỏe cho chính mình.
Ông Nguyễn Xuân Mai, người dân xã Đồng Quế chia sẻ: “Gia đình tôi đăng ký sử dụng nước sạch của nhà máy ngay từ đợt đầu. Mỗi tháng chi phí tiền nước hết khoảng 250 - 300 nghìn đồng, không còn lo ngại như khi sử dụng nước giếng có nguy cơ bị ô nhiễm, gây tổn hại sức khỏe”.
Giai đoạn 2024-2025, Công ty cổ phần Đầu tư cấp nước Vĩnh Phúc tiếp tục đầu tư mở rộng đường ống tới các xã thuộc huyện Lập Thạch, KCN Sông Lô 2 và CCN Đồng Thịnh; tối ưu hóa hệ thống xử lý nước đầu nguồn, tiếp tục hoàn thiện hệ thống nhận diện thương hiệu và quảng bá sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến khách hàng là doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trong các KCN, CCN.
Phấn đấu đến năm 2025, sản lượng nước thương phẩm tăng gấp 2-3 lần hiện nay, đảm bảo 100% người dân trong vùng được sử dụng nước sạch theo phân vùng được UBND tỉnh phê duyệt.
Bài, ảnh: Xuân Nguyễn