Với mục tiêu không để những khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT-GPMB) ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và thu hút đầu tư vào địa bàn, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp, ngành chức năng, chính quyền địa phương đang tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ, nhất là đối với các dự án lớn, trọng điểm.
Tăng tốc độ bồi thường, giải phóng mặt bằng khu công nghiệp Sơn Lôi (Bình Xuyên), tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiềm năng đầu tư vào tỉnh. Ảnh: Chu Kiều
Khó khăn, vướng mắc về thủ tục, người dân chưa đồng thuận... trong công tác BT - GPMB là những rào cản khiến tiến độ triển khai nhiều công trình, dự án trên địa bàn tỉnh chậm, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động cũng như thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Dự án Trung tâm Logicstics ICD Vĩnh Phúc tại thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên liên doanh giữa Tập đoàn YCH (Singapore) và Tập đoàn T&T Group (Việt Nam) được UBND tỉnh phê duyệt có quy mô hơn 83 ha, tổng vốn đầu tư hơn 166 triệu USD là dự án “siêu cảng” đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh tại khu vực ASEAN, được kỳ vọng mở đầu cho sự đột phá của logistics Việt Nam, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.
Hiện, một phần giai đoạn 1 của dự án đã đi vào hoạt động với 2 kho hàng, góp phần rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho các doanh nghiệp.
Trong giai đoạn 2, dự án sẽ xây dựng khu ngoại quan và cảng cạn, kho hàng logistics, công trình hỗ trợ, đường giao thông, khu vực kết nối với đường sắt quy hoạch, cây xanh với diện tích hơn 52 ha.
Tuy nhiên, hiện nay, dự án vẫn còn hơn 2 ha đất ở khu Gò Vị, tổ dân phố Đông Mướp (thị trấn Hương Canh) chưa thực hiện xong công tác BT - GPMB do các hộ dân không đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Để có thể hoàn thành nhiệm vụ GPMB số diện tích còn lại này, huyện Bình Xuyên đang nỗ lực, tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận; thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong công tác GPMB.
Đến hết tháng 8/2024, trên địa bàn huyện Bình Xuyên thực hiện công tác BT - GPMB cho 95 dự án, trong đó, có 83 dự án đang thực hiện và 12 dự án đang giải quyết tồn tại với tổng diện tích cần tiếp tục GPMB hơn 579 ha (không bao gồm các dự án giải quyết tồn tại).
Huyện đã thực hiện xong công tác GPMB hơn 330ha, đạt hơn 57%; trong đó, GPMB sạch hơn 144 ha, niêm yết phương án bồi thường hơn 94 ha, kê khai hơn 91 ha, quy chủ nhưng chưa kê khai hơn 222 ha; chi trả tiền hỗ trợ hơn 577 tỷ đồng cho gần 1.000 lượt hộ.
Huyện đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt thực hiện các dự án đã cam kết với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu được giao.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến tháng 7/2024, toàn tỉnh cần thực hiện GPMB cho 471 dự án, công trình tại các huyện, thành phố, bao gồm 370 dự án chuyển tiếp và 101 dự án mới với tổng diện tích cần GPMB trong năm là hơn 1.123ha và số hộ cần tái định cư là 1.185 hộ với diện tích 24,7 ha.
Đến đầu tháng 8/2024, toàn tỉnh đã GPMB được hơn 292ha, đạt 26% so với kế hoạch năm; thực hiện lập bản đồ, quy chủ, ban hành thông báo thu hồi đất, xác định giá đất cụ thể khoảng gần 700 ha; thực hiện tái định cư cho 52 hộ với diện tích 8.350 m2. Kết quả thực hiện GPMB tại một số khu, cụm công nghiệp đến nay vẫn không có sự thay đổi nhiều so với cuối năm 2023...
Nguyên nhân được xác định chủ yếu do vướng mắc về giá đất tính bồi thường cũng như việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư, khu nghĩa trang còn chậm khiến việc giải ngân vốn đầu tư công rất chậm.
Cụ thể, tại các dự án được giao mới, vướng mắc chủ yếu về xác định giá đất, hiện đang ở các bước thông báo thu hồi đất, kiểm kê, kê khai lên phương án bồi thường, hỗ trợ.
Luật Đất đai mới đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/8/2024; trong đó, nhiều quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có sự điều chỉnh so với Luật Đất đai năm 2013. Do vậy, đa số người có đất thu hồi có tư tưởng chờ các quy định mới, có lợi hơn đối với người có đất thu hồi.
Công tác lưu trữ, quản lý hồ sơ đất đai tại các xã còn nhiều hạn chế, một số nơi chưa cập nhật, chỉnh lý thường xuyên, chưa quản lý được việc mua bán, chuyển nhượng đất đai, công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ những năm trước đây còn nhiều sai sót dẫn đến khó khăn cho công tác quy chủ sử dụng đất.
Công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ BT-GPMB ở một số địa phương còn thiếu chuyên nghiệp, cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ GPMB còn thiếu, đặc biệt đối với các địa phương đang thực hiện các dự án lớn như Bình Xuyên, Sông Lô, Vĩnh Tường…
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong công tác BT-GPMB, phấn đấu có thêm nhiều dự án triển khai, xây dựng xong hạ tầng, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng tập trung hoàn thiện các quy định cụ thể theo Luật Đất đai năm 2024 trên địa bàn tỉnh, trong đó có quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện công tác BT-GPMB ngay khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực.
Các chủ đầu tư phối hợp với các huyện, thành phố khẩn trương đánh giá tác động của các quy định Luật Đất đai năm 2024 đối với tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư; từ đó, rà soát, điều chỉnh kế hoạch thực hiện.
UBND các huyện, thành phố rà soát, điều chỉnh kế hoạch thực hiện BT-GPMB phù hợp với tiến độ triển khai thực hiện dự án; rà soát các quỹ đất có thể đưa vào phục vụ việc BT-GPMB, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, đáp ứng yêu cầu BT-GPMB trên địa bàn cấp huyện.
Lưu Nhung