Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm hàng hóa nước ngoài không có tem nhãn phụ tiếng Việt, nhiều nhất là bánh kẹo. Từ thành thị đến nông thôn, sản phẩm được bày bán ở nhiều cửa hàng, trong các chợ đầu mối. Theo quy định của pháp luật, việc kinh doanh hàng hóa nước ngoài không có tem nhãn phụ tiếng Việt là vi phạm về tem nhãn hàng hóa nên việc xử lý, tuyên truyền cần được tăng cường nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tiểu thương, doanh nghiệp và làm minh bạch nguồn gốc xuất xứ sản phẩm trên thị trường.
Ngoài các mặt hàng đồ gia dụng, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng thì bánh kẹo nước ngoài không tem nhãn phụ tiếng Việt xuất hiện ngày càng đa dạng trên thị trường tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, chợ và rất dễ dàng tìm mua.
Bánh nước ngoài không có tem nhãn phụ tiếng Việt nhan nhản ngoài thị trường.
Theo quy định của pháp luật về tem nhãn, sản phẩm nước ngoài phải có nhãn hàng hóa bao gồm 2 loại là nhãn gốc và nhãn phụ bằng tiếng Việt. Nhãn phụ giúp người tiêu dùng biết được thành phần sản phẩm, xuất xứ hàng hóa, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, hạn sử dụng và những nguy cơ cảnh báo của sản phẩm.
Việc sản phẩm không có nhãn phụ bằng tiếng Việt gây "mù" thông tin, làm khó người tiêu dùng khi muốn tìm hiểu về xuất xứ nguồn gốc và các thông tin liên quan. Đồng thời, tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và nguy cơ sử dụng phải hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi người tiêu dùng.
Cùng Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) do Sở Công thương chủ trì kiểm tra tại cửa hàng kinh doanh tạp hóa An Thắng, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, chúng tôi nhận thấy mặc dù cửa hàng không lớn, thậm chí có vẻ xuềnh xoàng, song bên trong lại bày bán khá nhiều bánh, kẹo xuất xứ nước ngoài không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Lực lượng chức năng kiểm tra bánh kẹo không tem nhãn phụ tại một cửa hàng kinh doanh tạp hóa ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường.
Trên các kệ hàng, những gói bánh, kẹo màu hồng, tím sặc sỡ có nhiều chữ nước ngoài. Trên bao bì sản phẩm không có nhãn phụ bằng tiếng Việt nên không biết nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cũng như đơn vị nhập khẩu.
Anh Nguyễn Văn Thắng, chủ cửa hàng cho biết: “Chúng tôi thấy nhà phân phối có các loại bánh ngoại nên nhập về bán để mặt hàng thêm phong phú. Tôi không biết quy định bánh ngoại phải có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt. Hôm nay, được Đoàn kiểm tra đến nhắc nhở, phổ biến quy định tôi mới biết nên xin rút kinh nghiệm để chú ý trong việc nhập hàng, kiểm soát hàng hóa kỹ lưỡng hơn".
Đây chỉ là một trong những lý do được tiểu thương đưa ra khi lực lượng chức năng phát hiện sản phẩm không có tem nhãn phụ. Ngoài ra, không ít chủ cửa hàng tuy biết quy định pháp luật nhưng lại nói do vội, quên nên không yêu cầu nhà phân phối/cung cấp bổ sung tem nhãn phụ.
Do số lượng sản phẩm ở các cửa hàng không nhiều nên phần lớn các lỗi vi phạm được lực lượng chức năng nhắc nhở, tuyên truyền mà không xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến tình trạng “nhờn” luật.
Việc mua và sử dụng sản phẩm nước ngoài không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP do trên bao bì không thể hiện rõ các nội dung liên quan như hướng dẫn sử dụng sản phẩm, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng. Do không rõ nguồn gốc xuất xứ, yếu tố hàng nhái, hàng giả, không đảm bảo chất lượng tiềm ẩn trong mỗi sản phẩm.
Theo quy định của pháp luật về tem nhãn, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hóa bao gồm hai loại, là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó.
Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc, được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc (dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt).
Theo quy định về thông tin in trên nhãn phụ, quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả... có thể phạt tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Ngoài ra, theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử thì các hành vi kinh doanh hàng hóa không có nhãn, không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng ghi không đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc hoặc bị thay đổi; có nhãn, kể cả nhãn gốc hoặc nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa; gian lận về thời hạn sử dụng; hàng hóa đã quá hạn sử dụng… sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, sẽ được áp dụng kể cả trong trường hợp vi phạm lần đầu.
Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm nhằm nâng cao nhận thức cho người kinh doanh và tăng tính răn đe, tạo môi trường kinh doanh hàng hóa lành mạnh, minh bạch thị trường.
Bài, ảnh: Hà Trần