Sáng 15/9, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 về giải pháp khẩn trương khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới điểm cầu Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và điểm cầu 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Cùng dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Các đồng chí: Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Vĩnh Phúc.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố.
Các đại biểu dành phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân xấu số do ảnh hưởng của đợt mưa bão vừa qua. Ảnh: Khánh Linh
Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến 6h sáng 15/9, bão số 3, mưa lũ, sạt lở, ngập lụt do hoàn lưu bão đã làm 348 người chết và mất tích, 1.921 người bị thương; gần 232.000 ngôi nhà bị hư hỏng; hơn 190.300ha lúa, hơn 48.700ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 31.745 cây ăn quả bị hư hại; 3.269 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 21.786 con gia súc, hơn 2,6 triệu con gia cầm bị chết; 305 tuyến đê bị sự cố nứt nẻ, sạt lở, đùn sủi, lỗ rò thân đê…
Có 11 địa phương bị thiệt hại về cơ sở vật chất, thiết bị trường học hoặc ngập úng, làm đình trệ, ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học.
Tại Vĩnh Phúc, tính đến 13h ngày 13/9, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã làm 2 người chết; 338 ngôi nhà, 32 cơ sở giáo dục, 9 cơ sở y tế, 4 di tích lịch sử, 11 công trình văn hóa các loại, 14 trụ sở cơ quan, 11 nhà kho phân xưởng bị thiệt hại.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông chủ trì hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh: Khánh Linh
Bão số 3 và hoàn lưu bão cũng khiến 9.830ha lúa, gần 2.300 ha hoa màu bị ảnh hưởng; 16.600 con gia cầm, gần 70 con trâu, bò, lợn và 537 con gia súc khác bị chết; 942 ha thủy sản bị thiệt hại, hơn 27.200 cây xanh, 234 cột điện bị gãy, đổ… Ước tính thiệt hại tại thời điểm thống kê hơn 177 tỷ đồng.
Bên cạnh việc đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực, chủ động của các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, lực lượng quân đội, công an và nhân dân trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng phân tích, chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến hậu quả bão số 3.
Để ổn định tình hình, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung rà soát, thống kê lại thiệt hại của người dân, tài sản của Nhà nước; hỗ trợ ngay chỗ ăn, ở, sinh hoạt, ổn định tại chỗ cho người dân.
Tiếp tục thăm hỏi, chia sẻ, giải quyết hậu sự cho những người xấu số, giải quyết các chính sách theo quy định, cứu chữa những người bị thương; rà soát các thôn, bản, gia đình bị vùi lấp, thực hiện tái định cư cho người dân đến nơi an toàn, bảo đảm chậm nhất đến ngày 31/12/2024, người dân cả nước phải được ổn định về nhà ở.
Đồng thời rà soát, thống kê, khắc phục thiệt hại tại các cơ sở y tế, trường học để trong tháng 9, tất cả học sinh phải được đến trường. Các địa phương thống kê, rà soát, đề xuất phương án hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; nghiên cứu miễn, giảm học phí cho học sinh; bảo đảm kết nối giao thông thông suốt và bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát thiệt hại của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, có giải pháp khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; khôi phục lại sản xuất trong các khu công nghiệp; có phương án tăng cường các loại hình giao thông, giảm giá cước vận tải, bảo đảm không bị gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng.
Các bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy đầu tư công; giãn nợ, giảm nợ cho các doanh nghiệp; bảo đảm cung ứng xăng dầu, điện cho sản xuất, kinh doanh…
Tập trung đẩy mạnh, kích cầu tiêu dùng trong nước; mở rộng thị trường xuất khẩu; thực hiện tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh của các địa phương; xây dựng chương trình khắc phục hậu quả bão lũ; xây dựng giải pháp tăng trưởng kinh tế; đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy một số ngành phát triển, bứt phá; bảo đảm ổn định trật tự, an toàn xã hội; kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức trong nước và quốc tế trong khắc phục hậu quả thiên tai…
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông phát biểu sau hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh: Khánh Linh
Quán triệt sau hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai; tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh về tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó thiên tai, khắc phục hậu quả sau thiên tai qua thực tiễn ứng phó bão số 3 để chủ động hơn, làm tốt hơn trong thời gian tới nếu tiếp tục có mưa lũ, thiên tai xảy ra.
Về nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông giao từng sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ tổng hợp, đánh giá thiệt hại, đề xuất cơ chế hỗ trợ theo quy định để ổn định sản xuất sau thiên tai; rà soát, đánh giá lại hiện trạng hệ thống đê điều, hồ đập, kịp thời xử lý ngay những sự cố, công trình, vị trí mất an toàn.
Hướng dẫn các địa phương khôi phục diện tích lúa, hoa màu, thủy sản còn khả năng thu hoạch, giảm thiểu thiệt hại; đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất nông nghiệp; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai; hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt, xử lý môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau lũ.
Đồng thời đánh giá lại hiện trạng giao thông, đặc biệt là các cầu, cống bị ảnh hưởng bởi mưa lũ để có phương án sửa chữa, khắc phục.
Tập trung khắc phục nhanh các tuyến đường trọng yếu bị hư hỏng (nếu có); khẩn trương sửa chữa, khôi phục nhanh nhất hệ thống điện, bảo đảm cấp điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân; có phương án bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng.
Tập trung chỉ đạo khẩn trương vệ sinh trường lớp, khắc phục sớm cơ sở vật chất bị hư hại do bão, lũ; vận động hỗ trợ trang thiết bị giảng dạy, sách vở và đồ dùng học tập cho các trường học, cơ sở giáo dục bị thiệt hại, tạo điều kiện cho học sinh sớm trở lại học bình thường.
Hướng dẫn các địa phương thực hiện các chế độ, chính sách đối với những gia đình có người bị mất, bị thương; rà soát những hộ dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời đề xuất hỗ trợ lương thực cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân, nhất là các hộ ở vùng bị cô lập, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng bởi mưa, lũ; đề xuất bố trí nguồn kinh phí để khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là hỗ trợ về nhà ở, sản xuất nông nghiệp, xây dựng các công trình khẩn cấp…
Đối với các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông yêu cầu khẩn trương rà soát, tổng hợp, thống kê thiệt hại do thiên tai gây ra; kịp thời thực hiện các chế độ, chính sách, các hoạt động hỗ trợ về vật chất và tinh thần đối với gia đình bị thiệt hại do thiên tai, bảo đảm sớm ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài cho người dân.
Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính sử dụng linh hoạt và ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để giải quyết các vấn đề cấp bách liên quan đến phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai phù hợp với điều kiện của địa phương; đề xuất các giải pháp khắc phục hậu quả sau thiên tai gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất.
Thiệu Vũ