Theo Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh (PEPI) những năm qua cho thấy, tỉnh luôn xếp ở thứ hạng thấp so với các địa phương trên cả nước. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm cải thiện môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung ở thị trấn Tam Hồng (Yên Lạc) hoạt động hiệu quả, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường trên địa bàn. Ảnh: Thế Hùng
Bộ chỉ số đánh giá kết quả BVMT (PEPI) gồm nhiều chỉ số thành phần dùng để đánh giá năng lực điều hành, quản lý Nhà nước, thực thi chính sách về BVMT của chính quyền các địa phương, được triển khai, đánh giá và xếp hạng từ năm 2021.
Theo đó, định kỳ hằng năm (năm hiện tại đánh giá cho năm trước), UBND tỉnh tổ chức thu thập, tổng hợp, đánh giá các chỉ số thành phần đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về BVMT của địa phương, gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổng hợp, xác minh, thẩm định.
Theo kết quả đánh giá tổng hợp, năm 2021, Vĩnh Phúc đứng ở vị trí thứ 54/63 tỉnh, thành phố với 57,92 điểm; năm 2022, đứng vị trí 60/63 tỉnh, thành phố với 50,12 điểm.
Trong 23 chỉ số thành phần, có nhiều chỉ số đạt thấp và xếp ở nhóm cuối so với các địa phương trên cả nước như tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đáp ứng yêu cầu về BVMT; tỷ lệ bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung...
Nguyên nhân khiến các chỉ số PEPI của tỉnh ở mức trung bình và thấp so với mặt bằng chung của cả nước là do tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và đô thị hóa nhanh, trong khi việc đầu tư cho công tác BVMT chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, nhất là về đầu tư hạ tầng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thu gom, xử lý nước thải y tế, nước thải đô thị.
Cán bộ Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) xét nghiệp mẫu nước thải. Ảnh: Thế Hùng
Công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch và kêu gọi dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung chưa thực sự hiệu quả và chưa tạo được sự đồng thuận của người dân.
Việc bố trí vốn để cải tạo, phục hồi môi trường các bãi rác thải còn vướng mắc. Công tác BVMT tại cụm công nghiệp, nhất là việc đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức.
Tỷ lệ cấp nước ở đô thị Vĩnh Yên và Phúc Yên hiện đã đạt hơn 93%, song, tỷ lệ cấp nước ở đô thị loại V tại các địa phương còn thấp. Việc mở rộng mạng lưới cấp nước đến các đô thị loại V và việc triển khai một số dự án cấp nước sạch còn chậm.
Công tác đầu tư, quản lý, vận hành các hệ thống xử lý nước thải bệnh viện còn nhiều bất cập, nhất là các bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện chưa được cải tạo, nâng cấp đồng bộ.
Để cải thiện chỉ số PEPI trên địa bàn tỉnh năm 2024 và các năm tiếp theo, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tập trung đề xuất, triển khai các giải pháp nâng cao số điểm của các chỉ số thành phần xếp ở vị trí trung bình, thấp so với các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung tay BVMT và triển khai tốt việc điều tra, khảo sát lấy ý kiến về sự hài lòng với điều kiện môi trường ở nơi sinh sống...
Hội viên phụ nữ xã Liên Châu (Yên Lạc) phân loại rác thải tại nguồn, góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Thế Hùng
Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hiệu quả mục tiêu Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 62 của UBND tỉnh về việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; hướng dẫn và phối hợp với UBND cấp huyện căn cứ quy hoạch chung của tỉnh, phân định khu vực xây dựng các vị trí nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung, vị trí bãi trung chuyển, tập kết chất thải rắn sinh hoạt, đề xuất điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 cấp huyện, cấp tỉnh phù hợp.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở đã đi vào hoạt động và xử lý nghiêm các cơ sở không có công trình xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường...
UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai các nội dung thuộc trách nhiệm trong Đề án thu gom, xử lý rác thải giai đoạn 2021-2025; phối hợp, hỗ trợ các đơn vị cấp nước thủ tục để triển khai đầu tư xây dựng tuyến ống cấp nước, mạng lưới cấp nước trên địa bàn.
Đặc biệt, cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân về lợi ích xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung, việc sử dụng nước sạch để người dân hiểu, đồng thuận xây dựng nhà máy xử lý rác thải và sử dụng nước sạch.
Lưu Nhung