Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, Vĩnh Phúc bị thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phục hồi sản xuất sau mưa bão.
Sau bão số 3, hơn 3 sào lúa của gia đình bà Phùng Thị Hòe, xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường) bị đổ, ngập. Ngay khi bão tan, gia đình bà Hòe đã ra đồng buộc, dựng lúa bị đổ theo chiều nghiêng của cây; khơi thông dòng chảy, rút cạn nước, tránh thóc mọc mầm ngay trên ruộng. Đối với diện tích lúa chín được 85% trở lên, chờ khi thời tiết tạnh ráo, gia đình bà sẽ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Người dân thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên dựng, buộc cây lúa bị đổ do mưa bão.
Xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường) có hơn 160 ha lúa, 25 ha hoa màu bị ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND xã đã huy động lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu; tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu, bảo đảm tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng; hướng dẫn bà con tranh thủ dựng lúa gãy đổ, đề phòng mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng đến năng suất lúa mùa và rau màu. Đồng thời, tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa lũ, chủ động bơm tiêu nước phòng khi mưa lớn.
Tại xã Vân Hội (Tam Dương), một trong những vùng chuyên canh rau quy mô lớn của tỉnh cũng bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Ông Nguyễn Văn Nhượng, người dân xã Vân Hội cho biết: Vụ Mùa nay, gia đình ông trồng hơn 1 mẫu rau màu, trong đó có 5 sào chưa đến kỳ thu hoạch bị dập, nát do mưa bão.
Hiện gia đình đang tích cực vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư chuẩn bị đất để gieo trồng lại những loại rau ngắn ngày, rau ưa nước để cung cấp rau kịp thời cho thị trường khi giáp vụ.
Đối với diện tích rau cải ngọt, cải ngồng ít bị ảnh hưởng, sau khi nước rút, gia đình đã vệ sinh đồng ruộng, phun bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi. Khi đất khô ráo sẽ vun xới ngay để tạo độ thoáng cho đất, tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK...
Theo báo cáo nhanh, đến ngày 8/9, trên địa bàn huyện Tam Dương đã có 1.235 ha lúa, hơn 91 ha rau màu, 2.135 cây ăn quả lâu năm, 7.230 cây ăn quả hằng năm bị đổ ngã.
Để bảo vệ sản xuất vụ Mùa, giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra, huyện đã chỉ đạo các địa phương đối với diện tích lúa đã chín, khi thời tiết nắng cần thu hoạch nhanh đề phòng mưa bão tiếp diễn phức tạp; với diện tích lúa đã chín đỏ đuôi bị đổ người dân nên ra đồng buộc, dựng lại.
Đối với vùng rau màu bị ảnh hưởng, sau khi nước rút, nhanh chóng vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… giúp cây nhanh phục hồi. Chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại khi thời tiết thuận lợi.
Do ảnh hưởng của bão số 3, ước tính đến ngày 8/9, toàn tỉnh có 8.273,9 ha lúa, 610,9 ha rau màu bị đổ ngã. Chủ động khắc phục hậu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, ngành Nông nghiệp đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố và yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phục hồi sản xuất sau mưa bão.
Hiện nay, lúa vụ Mùa đang ở giai đoạn đỏ đuôi và chín, vì vậy, đối với diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch, tập trung thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm giải phóng đất để gieo trồng cây vụ Đông ưa ấm như ngô, đậu tương, ớt, dưa, bí các loại… theo phương châm gieo trồng càng sớm càng tốt.
Đối với diện tích lúa bị đổ ngã cần buộc dựng lúa, lưu ý dùng dây buộc túm 3 - 5 khóm với nhau thành hình chân kiềng để cho cây đứng theo chiều nghiêng của cây, không dựng ngược về phía sau, tránh hiện tượng gãy gốc; chủ động kiểm tra, phát hiện sớm các đối tượng dịch hại, đặc biệt là sự bùng phát của sâu bệnh hại như rầy nâu, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn... sau bão để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Đối với cây rau màu, nhanh chóng thu hoạch diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch; diện tích chưa đến thời kỳ thu hoạch cần khơi thông dòng chảy, rãnh thoát nước trên ruộng; sau khi nước rút, vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi; khi đất khô ráo, xới vun kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK…
Đối với vườn cây ăn quả ngập úng, khẩn trương đào rãnh, khơi thông dòng chảy, bơm hút nước ra khỏi rãnh, hố trong vườn cây; với những vườn cây đã rút nước cần xới nhẹ, phá váng lớp đất mặt (vùng tán cây) giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới; thu dọn cành gãy đổ, bón phân, chăm sóc giúp cây nhanh hồi phục; khi bộ rễ cây đã phục hồi, tiến hành bón phân hữu cơ kết hợp với phân hữu cơ khoáng, phun phân bón lá (hạn chế sử dụng phân bón hóa học) để tăng khả năng phục hồi của cây.
Riêng với cây chuối, những vườn chỉ bị rách lá, nghiêng cây và không bị gãy thân cần cắt tỉa lá bị gãy, vệ sinh đồng ruộng, khi đất đã se mặt thì bón phân với liều lượng thích hợp để kích thích cây hồi phục mọc rễ mới; những vườn bị gãy thân chính cần dọn và xử lý tàn dư cây gãy đổ; chọn 1-2 chồi khỏe nhất trong khóm để chăm sóc thành cây thay thế cây chính đã bị gãy đổ; đồng thời cung cấp các dưỡng chất qua lá để tăng cường khả năng hồi phục của cây.
Bài, ảnh: Mai Liên