"Gen Z dệt zèng" là một dự án cộng đồng được bốn cô gái cùng sinh năm 2002, hiện là sinh viên khoa quản trị truyền thông đa phương tiện Trường ĐH FPT chung tay thực hiện.
Khánh Linh, Thiên Thanh, Thanh Hoa và Diệu Thùy (từ trái sang) cùng một vài sản phẩm ứng dụng hoa văn zèng.
Bốn nữ sinh ấy là Đào Khánh Linh, Nguyễn Trần Thiên Thanh, Đặng Thị Thanh Hoa và Lại Thị Diệu Thùy dùng công nghệ số để đưa nét văn hóa dệt zèng của dân tộc Tà Ôi đến công chúng, nhất là các bạn trẻ.
Di sản văn hóa trong lòng người trẻ
Dệt zèng vốn của đồng bào dân tộc Tà Ôi ở huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế). Song tìm hiểu kỹ, bốn cô gái nhận ra phần lớn người trẻ nơi này lớn lên không mấy mặn mà tiếp nối công việc truyền thống của đồng bào quê mình. Và nghề dệt zèng có nguy cơ bị mai một.
"Như bao làng nghề thổ cẩm khác, dệt zèng mang giá trị tinh thần khi đại diện cho bản sắc văn hóa của một dân tộc chứ không chỉ là đời sống vật chất. Chúng tôi ước muốn đem giá trị di sản ấy đến gần các bạn trẻ hơn" - Khánh Linh nói.
Diệu Thùy quê ở Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Từng sống trong buôn làng với những người dân tộc Ê Đê nên hình ảnh người dân tộc trong trang phục thổ cẩm đã lưu dấu rất đẹp trong ký ức của Thùy. Bạn tự nhận mình có tình yêu sâu nặng với nghề dệt thổ cẩm nên càng mong nhiều người biết đến nghề này vốn rất đáng lưu giữ.
Bảo tồn di sản là chủ đề lớn nhưng nhóm muốn giải bài toán này bắt đầu từ câu hỏi làm thế nào đưa chất trẻ, hơi thở hiện đại vào vì có vậy mới thu hút người trẻ. Mục tiêu xa hơn là nâng cao nhận thức của các bạn trẻ về nghề truyền thống.
Có chút may mắn khi bốn cô gái từng học về nhạc cụ dân tộc, võ vovinam nên phần nào ý thức rõ khái niệm "căn tính văn hóa" cũng như nuôi dưỡng tình yêu với những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt.
"Bắt tay làm dự án hồi đầu năm nay, nhóm tìm hiểu các phương thức bảo tồn di sản và biết số hóa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nằm trong các mục tiêu và chương trình được Chính phủ thúc đẩy. Điều này khá thuận lợi với định hướng của nhóm" - Khánh Linh cho hay.
"Chúng mình dùng công nghệ vì dễ chạm đến người trẻ, nhất là các bạn gen Z. Đồng thời cũng muốn dự án góp phần vào quá trình số hóa di sản văn hóa của Việt Nam." ĐÀO KHÁNH LINH
Khi di sản sống động và hiện đại
Với sự giúp sức, kết nối của Ethnicity (một dự án nghệ thuật cũng về bảo tồn, quảng bá, phát triển các hoa văn thổ cẩm của Việt Nam), nhóm bạn trẻ khởi hành chuyến đi thực địa đến A Lưới. Ở đó, họ tận mắt quan sát quá trình dệt zèng của người dân bản địa.
Tiếp xúc với một số bạn gen Z biết dệt zèng nơi đây, các bạn thừa nhận không thành thạo như thế hệ trước, cũng không tự tin giải thích về ý nghĩa của các hoa văn. Vải zèng vẫn được sử dụng vào dịp quan trọng như lễ, Tết, đám cưới song không nhiều người chọn dệt zèng làm nghề chính. Họ đi làm nông và chỉ ngồi dệt khi rảnh rỗi, còn người trẻ chủ yếu chọn làm việc khác.
Trở về sau chuyến đi, nhóm khảo sát khoảng 500 người để lắng nghe yếu tố nào khiến các bạn trẻ quan tâm đến di sản văn hóa và hứng thú với các sự kiện mang chủ đề này. Kết quả, các bạn trẻ chọn tiếp cận thông tin liên quan qua nền tảng mạng xã hội, thích các nội dung thú vị, hình ảnh đẹp, video ngắn.
Các thông số ấy đưa nhóm đến các chiến lược của dự án: bán sản phẩm như quạt lụa, túi tote ứng dụng họa tiết hoa văn zèng được số hóa; workshop về quy trình số hóa hoa văn dân tộc; MV âm nhạc; triển lãm số - ứng dụng nghệ thuật ánh sáng, âm thanh để thể hiện hoa văn zèng.
Đây là lúc vai trò graphic designer của Thiên Thanh được phát huy. Cô bạn đã số hóa 26 hoa văn, đưa vào triển lãm để người xem được chiêm ngưỡng các họa tiết một cách sống động nhất. Chẳng hạn như chụp hình tương tác với ánh sáng mô phỏng hoa văn zèng, chiếu hoa văn lên trang phục đang mặc. Tín hiệu vui khi khảo sát sau sự kiện tới 90% số người tham dự là các bạn gen Z (18 - 27 tuổi).
"Chúng tôi số hóa từng đường kim, mũi chỉ theo tỉ lệ 1:1, cố gắng sao cho chính xác nhất cũng như đảm bảo sự trẻ trung, hiện đại qua cách thể hiện. Dự án Ethnicity đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều cho quá trình số hóa này" - Thanh nói.
Sau triển lãm, nhóm đã tái hiện toàn bộ sự kiện thành triển lãm ảo trên nền tảng số, bổ sung các hoa văn số trên trang web. Các bạn cũng nhận được lời mời phối hợp với một số dự án lan tỏa bản sắc và truyền thống Việt Nam, đồng thời nộp hồ sơ ứng tuyển một sự kiện nghệ thuật tại Singapore vào năm 2025.
Sẽ tiếp tục phát triển, đưa "Gen Z dệt zèng" đi xa hơn là mục tiêu của nhóm. Những cô gái gen Z ấy mong góp phần làm cho văn hóa "sống" cùng thời đại, thu hút giới trẻ quan tâm để chính mỗi bạn trẻ sẽ góp sức vào hành trình đưa các giá trị và di sản văn hóa Việt đi xa.
Dệt zèng là gì?
Đây là loại hình sản xuất thổ cẩm thủ công của đồng bào dân tộc Tà Ôi tại huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế). Trong đó, nét đặc trưng chính là dùng hạt cườm bên cạnh hoa văn bằng chỉ trong quá trình dệt tạo ra kỹ thuật dệt độc đáo và duy nhất, không giống với nghề dệt thổ cẩm ở bất kỳ làng nghề nào hiện có tại nước ta.
Năm 2016, nghề dệt zèng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
"Dệt zèng rất công phu. Người dệt phải ngồi liên tục 7 - 8 tiếng và đòi hỏi tay nghề cao một số công đoạn. Nhiều người dân địa phương cũng mong có thể lan tỏa tinh hoa của zèng đến nhiều người hơn và làm sao khơi dậy tinh thần tự hào ở con em họ để trở thành thế hệ tiếp nối truyền nghề" - Thanh Hoa kể.
Vũ Hương (theo tuoitre.vn)