* Huyện Sông Lô chưa ghi nhận thiệt hại từ bão số 3
Do ảnh hưởng của bão số 3, ngày 7/9, trên địa bàn huyện Sông Lô có mưa nhỏ đến mưa vừa, lượng mưa từ 10,2 - 29,4 mm. Tính đến 15h cùng ngày, trên địa bàn huyện chưa ghi nhận thiệt hại về người và tài sản.
Sự cố gãy, đổ cây xanh tại các địa phương trên địa bàn huyện Sông Lô được xử lý kịp thời, đảm bảo lưu thông thông suốt.
Để chủ động kịp thời ứng phó bão số 3, lãnh đạo UBND, Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN huyện Sông Lô, các phòng, cơ quan chuyên môn đã thực hiện nghiêm túc chế độ trực 24/24h từ ngày 6/9.
Lực lượng Công an huyện, quân sự huyện sẵn sàng 100% quân số, phương tiện để thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ (nếu có), sơ tán, di dời, giúp người dân khắc phục hậu quả do thiên tai; chủ động bảo đảm an toàn giao thông, đặc biệt là trên các tuyến giao thông chính của huyện.
Lực lượng y tế sẵn sàng phương án, thành lập các tổ ứng trực; xe cứu thương, cơ số thuốc... được chuẩn bị chu đáo.
Cùng với đó, UBND huyện đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền; hướng dẫn, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn chủ động phương án phòng, chống mưa bão, đảm bảo an toàn về người và tài sản; thực hiện cắt tỉa cây xanh, tháo dỡ biển quảng cáo mất an toàn để phòng tránh mưa bão; chỉ đạo thu hoạch được hơn 30 ha lúa mùa; gia cố lại các chuồng trại chăn nuôi…
Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã huy động lực lượng, phương tiện để chủ động ứng phó bão số 3. Công tác hậu cần cũng được đảm bảo; đã tổ chức di dời 254 hộ dân với gần 900 người của 15 xã, thị trấn ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.
* Bình Xuyên kịp thời khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3
Tính đến 17h ngày 7/9, trên địa bàn huyện Bình Xuyên có gần 200ha lúa bị đổ nghiêng (chưa ngập úng). Trong đó, thị trấn Hương Canh 23ha, Gia Khánh 123,9ha, Đạo Đức 30ha; xã Tân Phong 13ha, Phú Xuân 3ha, Thiện Kế 6,8ha. 1 cột điện chiếu sáng tại Nhà văn hóa thôn Chũng, xã Quất Lưu bị đổ, lực lượng chức năng đã khắc phục sự cố. 56m tường rào bị đổ (6m tại xã Quất Lưu, 50m tại thị trấn Gia Khánh).
Lực lượng chức năng huyện Bình Xuyên xử lý cây bị gãy, đổ do ảnh hưởng của mưa bão.
Để ứng phó với bão số 3, các lực lượng chức năng huyện tổ chức trực 100% quân số, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, hậu cần sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh.
* Thành phố Phúc Yên: Khẩn trương khơi thông dòng chảy
Tính đến 15 giờ ngày 7/9, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn thành phố Phúc Yên có 140 cây xanh gãy, đổ, bật gốc. Nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả của mưa bão, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, Công ty Dịch vụ môi trường và đô thị Phúc Yên nhanh chóng giải tỏa, thu dọn cây xanh gãy, đổ để hạn chế ảnh hưởng đến giao thông đi lại của nhân dân.
Tại một số khu dân cư trên địa bàn thành phố Phúc Yên, cây xanh đã được cắt tỉa nhằm bảo đảm an toàn trước ảnh hưởng của bão số 3.
Đồng thời, bố trí công nhân ứng trực 24/24h để chủ động nạo vét, khơi thông, tháo gỡ các vật cản tại các cống thoát nước trên nhiều tuyến đường, vị trí thường ngập úng cục bộ trên địa bàn như đường Lạc Long Quân, cây đa Tiền Châu, cổng Công an thành phố…
Cây xanh bị gãy, đổ, bật gốc trên địa bàn thành phố Phúc Yên.
Công nhân Công ty Dịch vụ môi trường và đô thị Phúc Yên chủ động nạo vét, khơi thông, tháo gỡ các vật cản tại các cống thoát nước trên nhiều tuyến đường nội thành.
Trước đó, ngày 6/9, Công ty Dịch vụ môi trường và đô thị Phúc Yên đã tổ chức cắt tỉa nhiều cây xanh nhằm bảo đảm an toàn trước bão số 3.
Đến thời điểm hiện tại, trên nhiều tuyến đường, tuyến phố nội thành, hoạt động giao thông đi lại của người dân cơ bản được đảm bảo, không xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ.
*Thị trấn Tam Đảo - gió to, nhiều cây lớn bật gốc do mưa bão
Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn thị trấn Tam Đảo có mưa kèm gió to khiến nhiều cây lớn bị gãy, bật gốc, đổ rạp xuống đường, gây cản trở giao thông và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Tại một số cơ sở lưu trú, rào chắn bị đổ do ảnh hưởng của gió bão.
Lực lượng chức năng thị trấn Tam Đảo xử lý cây bị gãy đổ do mưa bão.
Ngay sau khi nắm bắt tình hình, lực lượng chức năng thị trấn Tam Đảo đã tiến hành thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, xử lý các gốc cây bị gãy, đổ tại các tuyến đường và khắc phục ảnh hưởng do mưa bão.
Theo ghi nhận tại một số cơ sở lưu trú trên địa bàn thị trấn, phần lớn khách du lịch đặt phòng nghỉ dưỡng trước đó vào 2 ngày 7 - 8/9 đều đã hủy phòng. Khách lưu trú đã đến thị trấn trước khi bão số 3 xảy ra đều được khuyến cáo tạm thời không thực hiện các hoạt động du lịch, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong thời gian lưu trú trên địa bàn.
Lực lượng chức năng huyện Tam Đảo cũng khuyến cáo người dân và du khách không di chuyển lên, xuống núi trong thời gian bão số 3 xảy ra.
Tường rào của cơ sở lưu trú trên địa bàn thị trấn Tam Đảo bị đổ do mưa bão.
Tại Trạm Y tế thị trấn Tam Đảo, hiện chưa có trường hợp du khách và người dân bị thương phải sơ cấp cứu, điều trị do ảnh hưởng của mưa bão, tuy nhiên, cán bộ Trạm y tế luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm; thường trực thu dung, cấp cứu người bệnh 24/24h; tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ ngay khi có yêu cầu.
* Huyện Yên Lạc - nhiều diện tích lúa bị đổ
Từ tối 6/9, trên địa bàn huyện Yên Lạc đã xảy ra mưa lớn và gió giật mạnh làm ảnh hưởng và gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh trên địa bàn.
Cụ thể, làm tốc mái 4 nhà dân và 1 trường học; làm gãy, đổ 127 cây xanh trên các tuyến giao thông; gãy đổ 13 cột điện; 345 ha lúa bị đổ. Không có thiệt hại về người.
Mưa lớn kèm theo dông, lốc đã khiến nhiều cây xanh trên địa bàn huyện Yên Lạc bị gãy, đổ.
Lãnh đạo huyện đã trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động ứng phó và khắc hậu quả do mưa bão gây ra; thăm hỏi, động viên các gia đình có nhà bị tốc mái.
Đồng thời chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thực hiện kiểm tra ảnh hưởng của mưa bão trên địa bàn; tổ chức phát quang, thu dọn cành cây gãy, đổ để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lưới điện và mỹ quan nông thôn; phối hợp với lực lượng chức năng kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian ảnh hưởng của bão số 3.
Tổ chức kiểm tra, rà soát đến từng xứ đồng đang canh tác, nhất là những xứ đồng trũng, thường xuyên bị ngập úng cục bộ; triển khai nạo vét, khơi thông các luồng tiêu, kênh tiêu nội đồng; chủ động bơm, tát tiêu úng để bảo vệ sản xuất; trong mọi tình huống không để ngập úng cục bộ xảy ra.
Đến thời điểm hiện tại, các sự cố gãy, đổ cây xanh, tốc mái nhà, hư hại cột điện, đường lưới điện... đã cơ bản được địa phương khắc phục, sửa chữa kịp thời, đảm bảo lưu thông thông suốt và cấp điện trở lại.
* Thành phố Vĩnh Yên - gần 200 cây xanh bị gãy, đổ do ảnh hưởng của bão số 3
Do ảnh hưởng của bão số 3, tối 6/9 trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên đã xảy ra mưa lớn kèm sấm, sét và gió giật mạnh. Chỉ trong ít phút, nhiều tuyến đường đã bị ngập cục bộ, gần 200 cây xanh bị gãy đổ làm ảnh hưởng đáng kể đến giao thông và hệ thống đường dây, cột điện, trạm biến áp...
Theo báo cáo nhanh của UBND thành phố, đợt mưa giông khiến 195 cây xanh trên địa bàn gãy, đổ; 2 xe ô tô và 9 trạm biến áp bị cây đổ, gãy đè vào; 128 m tường rào bị đổ; 220 m mái tôn của 4 hộ gia đình bị tốc mái; 2 chiếc cột điện bị gãy, đổ...
Lãnh đạo UBND thành phố Vĩnh Yên kiểm tra khắc phục sự cố tại Trạm biến áp Bảo Sơn 2, phường Liên Bảo.
Các lực lượng chức năng đã triển khai khắc phục ngay các sự cố phát sinh, đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn cho người dân.
UBND các xã, phường cũng đã nhanh chóng tổ chức khoanh vùng, đặt hàng rào để hạn chế người đi lại; phối hợp với ngành Điện lực thực hiện cắt điện, đấu nối các vị trí đường điện bị đứt.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố đã xảy ra ngập úng cục bộ tại một số tuyến đường, tuy nhiên sau khi mưa tạnh khoảng 10-15 phút nước đã rút hết. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ đạo, UBND các xã, phường tổ chức thăm nắm địa bàn khắc phục thiệt hại do thiên tai xảy ra như tổ chức phân luồng giao thông; bố trí người khơi thông hệ thống cửa thu, hố ga để đảm bảo tiêu thoát nước…
Lực lượng chức năng khắc phục sự cố cây đổ trên tuyến đường.
Để kịp thời ứng phó với bão số 3, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai các phương án phòng, chống bão một cách chủ động, đồng bộ, toàn diện với phương châm “4 tại chỗ”; trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.
Đặc biệt, chú trọng bảo vệ những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về mất an toàn trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng trực, bố trí con người và phương tiện để ứng phó các tình huống khẩn cấp do ảnh hưởng của bão số 3.
* Huyện Vĩnh Tường - nhiều cây xanh gãy, đổ, bật gốc
Đêm 6/9 đến rạng sáng ngày 7/9, bão số 3 đã gây mưa giông kèm theo lốc, sét, gió mạnh tại nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện Vĩnh Tường.
Cây xanh bật gốc ngay trong đêm 6/9 do ảnh hưởng của bão số 3 trên địa bàn xã Đại Đồng.
Tại xã Đại Đồng, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường…, nhiều cây xanh, cây cổ thụ bị bật gốc, gãy, đổ chắn ngang đường giao thông, ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân.
Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã triển khai công tác cắt điện cục bộ khu vực cây gãy, đổ; huy động phương tiện, nhân lực dọn dẹp hiện trường, thống kê thiệt hại. Đồng thời đặt biển cảnh báo, rào chắn để thông báo cho người dân, phương tiện không lưu thông qua khu vực nguy hiểm.
Nhiều cây xanh trong khuôn viên Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường bị bật gốc.
Đến thời điểm hiện tại, huyện Vĩnh Tường chưa ghi nhận trường hợp nào thiệt hại về người, công tác ứng phó bão số 3 đang được các cơ quan chức năng trên địa bàn tiến hành khẩn trương.
P.V