Sau 27 năm tái lập tỉnh, từ tỉnh thuần nông, với những thay đổi trong định hướng thu hút đầu tư, hướng tới các nhà đầu tư chiến lược, các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại và có giá trị gia tăng cao, làm tốt công tác xúc tiến, chăm sóc nhà đầu tư tại chỗ, vì vậy, dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, những biến động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh vẫn ghi nhận sự bứt phá ngoạn mục, tiếp tục đón nhận các dòng vốn đầu tư chất lượng. Nhờ đó giúp tỉnh củng cố vị thế là một trong những địa phương trọng điểm trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội về kinh tế và thu hút đầu tư.
Lumi Smart Factory (Bình Xuyên) là nhà máy sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: Nguyễn Lượng
Những con số "biết nói"
Polaris hiện là một trong những tập đoàn dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất phương tiện di chuyển với hơn 30 thương hiệu nổi tiếng.
Năm 2023, với sự hỗ trợ đắc lực của tỉnh, tập đoàn này đã khởi công xây dựng nhà máy Polaris Việt Nam trên diện tích 12 ha tại khu công nghiệp (KCN) Bá Thiện II (Bình Xuyên) có tổng mức đầu tư hơn 40 triệu USD, tập trung sản xuất mô tô, xe máy, phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho ô tô, xe có động cơ khác.
Đầu năm 2024, doanh nghiệp bắt đầu đi vào hoạt động với công suất 90.000 sản phẩm/năm. Đến nay, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đã đi vào ổn định với những sản phẩm xe máy đầu tiên được lắp ráp hoàn thiện phục vụ xuất khẩu.
Dự kiến trong tháng 9 tới, doanh nghiệp sẽ tổ chức lễ khánh thành nhà máy. Đi vào hoạt động ổn định, nhà máy Polaris sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút các công ty, dự án khác của Hoa Kỳ cũng như các nước trong khu vực châu Mỹ vào đầu tư tại Vĩnh Phúc.
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh đã đạt được những kết quả ấn tượng trong phát triển KT-XH; trong đó, thu hút đầu tư tiếp tục là một trong những điểm sáng nổi bật, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI và gần 60 nghìn tỷ đồng vốn DDI, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh đã thu hút, cấp mới và tăng vốn một số dự án công nghệ, có giá trị gia tăng cao, sử dụng lao động chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị về điện tử, ô tô, xe máy theo đúng định hướng của tỉnh như Dự án của Công ty TNHH Ability Electronics của Đài Loan tại KCN Bá Thiện với tổng vốn 15 triệu USD; Dự án nhà máy Công ty Signetics Hàn Quốc về sản xuất chất bán dẫn với tổng vốn đầu tư hơn 100 triệu USD...
Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.318 dự án đầu tư, trong đó, có 476 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 8,3 tỷ USD thuộc 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và 842 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 143 nghìn tỷ đồng.
Tiếp tục đưa tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả nước
Kết quả thu hút đầu tư kể trên là minh chứng rõ nét, khẳng định hiệu quả trong định hướng thu hút, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, có chất lượng, giúp tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn, tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Các mục tiêu chủ yếu của Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021-2025) trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và định hướng quy hoạch phát triển KT-XH, phát triển ngành, lĩnh vực theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh đến năm 2030, tỉnh điều chỉnh chiến lược thu hút đầu tư theo hướng chủ động, tích cực, trọng tâm, trọng điểm.
Đẩy mạnh chuyển dịch mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, từ hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp sang hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao.
Chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, đảm bảo phù hợp với quy hoạch (quy hoạch tổng thể, ngành, quốc gia, vùng, địa phương), có hiệu quả KT-XH, môi trường, đặc biệt là hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo các tài nguyên không tái tạo.
Tập trung thu hút dự án sản xuất vào các KCN, cụm công nghiệp, đảm bảo tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp.
Nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, đặc biệt quan tâm đến xúc tiến đầu tư tại chỗ và tăng cường sự phối hợp, liên kết với các cơ quan trung ương, các tỉnh bạn, giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các hiệp hội trong công tác xúc tiến đầu tư.
Hiện, nhiều nhà đầu tư lớn, trong đó có các tập đoàn hàng đầu thế giới như Sojitz, Sumitomo, Compal... đã đầu tư tại tỉnh, tạo nên uy tín, thương hiệu, "làn sóng" đầu tư mới trên địa bàn tỉnh.
Trong bối cảnh tất cả các địa phương trong cả nước đã và đang chuyển động, cải thiện môi trường đầu tư để tăng sức hút, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện những chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, phù hợp nhằm bảo đảm lợi ích của các nhà đầu tư hiện hữu, duy trì sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư, thu hút các dự án công nghệ cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Qua đó tạo thế và lực mới để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo đột phá phát triển trong bối cảnh hội nhập.
Lưu Nhung