Với mục tiêu “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, giúp hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.
Mô hình nuôi cá giống của gia đình chị Kim Thị Hồng Nhung, thôn Xuân Lai, xã Vũ Di (Vĩnh Tường) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trà Hương
Gia đình ông Nguyễn Văn Tư, thôn Đồng Ơn, xã Yên Dương (Tam Đảo) thuộc diện hộ nghèo. 2 vợ chồng ông đã già yếu, con trai lại mắc bệnh thần kinh, thường xuyên phải đi bệnh viện chữa trị. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhiều năm nay, gia đình ông sống trong ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng mà không có điều kiện để xây mới hay sửa chữa.
Đầu năm nay, thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Tam Đảo, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Tam Đảo đã hỗ trợ gia đình ông Tư 70 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà mới khang trang, vững chãi. Đây là nguồn động viên to lớn giúp gia đình ông vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Cách đây 5 năm, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vũ Di, gia đình chị Kim Thị Hồng Nhung ở thôn Xuân Lai, xã Vũ Di (Vĩnh Tường) được vay 100 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình chị đã cải tạo, mở rộng diện tích ao hơn 1 ha và đầu tư nuôi nhiều loại cá giống như trôi, mè, trắm, chép… cung cấp cho các địa phương trong tỉnh và các tỉnh Phú Thọ, Sơn La…
Mô hình nuôi cá giống phát triển hiệu quả không chỉ giúp gia đình chị Nhung cải thiện kinh tế, thoát cận nghèo mà còn tạo việc làm cho 2 lao động địa phương với mức thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng.
Chị Nhung cho biết: Cùng với việc được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, tôi còn thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn kiến thức, chuyển giao kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản do chính quyền địa phương tổ chức, giúp tôi có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong chăm sóc và phòng bệnh cho các loại cá giống.
Xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch giảm nghèo theo từng giai đoạn, từng năm, đảm bảo phù hợp với định hướng giảm nghèo của trung ương và tình hình thực tiễn của tỉnh.
Đồng chí Lê Minh Tân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã bố trí ngân sách hơn 445 tỷ đồng để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Hiện nay, các cơ chế, chính sách về giảm nghèo của tỉnh bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn.
Đặc biệt, Vĩnh Phúc là 1 trong 4 tỉnh, thành phố trên cả nước ban hành các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù nhằm hỗ trợ các đối tượng không có khả năng thoát nghèo.
Tính đến tháng 5/2024, toàn tỉnh có 440 đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 3,9 tỷ đồng; gần 1.300 người từ 70 đến dưới 80 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được trợ cấp với tổng số tiền hơn 2,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác giảm nghèo, từ đó, phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc đối với người nghèo. Hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo các kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất; động viên, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.
Hằng năm, UBND tỉnh cùng các địa phương, sở, ngành liên quan và các hội, đoàn thể tổ chức ký cam kết thực hiện mục tiêu giảm nghèo gắn với các chỉ tiêu vay vốn tín dụng, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Tính đến ngày 30/6, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.545 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 4.533 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, giai đoạn 2014-2024, toàn tỉnh có hơn 250.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm với doanh số cho vay đạt hơn 9.000 tỷ đồng; hơn 260 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách được xây nhà ở mới; hơn 250.900 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng; gần 730 học sinh, sinh viên được hỗ trợ mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến…
Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn, hơn 28.300 hộ đã vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 62.200 lao động có việc làm ổn định; hơn 3.400 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo đã từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của hộ nghèo, cận nghèo; tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng thuận lợi hơn.
Năm 2023, số hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,61%, hoàn thành mục tiêu trước 3 năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; 9/9 huyện, thành phố có số hộ nghèo dưới 1%, trong đó, có 4 huyện, thành phố có số hộ nghèo dưới 0,5%.
Những “trái ngọt” này là thành quả của sự quyết tâm, đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, tạo cơ sở vững chắc để Vĩnh Phúc từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Phương Anh