Tiếp tục mạch chuyện, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng ta phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Một câu ngắn gọn thôi, nhưng đã khái quát rõ mục đích cao nhất của sự nghiệp cách mạng là mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Lấy dân làm gốc
Qua các nghiên cứu của mình, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú cho biết, mong ước cháy bỏng của Bác là sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi, Bác Hồ có kế hoạch xây dựng đất nước đẹp đẽ, đoàng hoàng hơn trước chiến tranh. Chính vì vậy, Bác đã viết trong Di chúc: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân”. Những dòng để lại ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm đượm tư tưởng “lấy dân làm gốc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở, tìm mọi cách để làm sao người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ảnh: Tư liệu
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nước lấy dân làm gốc, gốc có vững, cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”; “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Theo PGS, TS Nguyễn Thanh Tú, trong rất nhiều tài liệu, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở cán bộ rằng: Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra... và “cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”. Nên để củng cố và tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, thì Đảng nhất định và phải luôn “xứng đáng là người lãnh đạo, là đày tớ thật trung thành của nhân dân”.
Hiểu tư tưởng này một cách đơn giản là: Khi nhân dân đồng lòng, việc gì cũng làm được. Nhân dân không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên. Cho nên, suy cho cùng, khi dân tin vào Đảng và Chính phủ thì họ sẵn sàng ủng hộ mọi thứ từ vật chất, tiền bạc, lực lượng, trí tuệ đến cả việc không ngại hy sinh tính mạng của mình.
Bác Hồ nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong dịp Người về thăm và chúc Tết đồng bào tỉnh Hà Bắc, Xuân Đinh Mùi (9-2-1967). Ảnh: Tư liệu
Điều này có ý nghĩa vô cùng lớn trong bối cảnh thực tế hiện nay. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta như một nguyên lý sâu sắc đối với sự tồn tại và phát triển của đất nước. Một đất nước muốn có được sự đoàn kết thì đội ngũ lãnh đạo, cán bộ Đảng viên phải thực sự gương mẫu. Cuộc sống và hạnh phúc của người dân chính là thước đo tín nhiệm, hài lòng của người dân đối với cơ quan Đảng, Nhà nước; cán bộ, đảng viên. Điều này rất phù hợp và là tiêu chí chuẩn mực của xã hội hiện đại cũng như xu thế phát triển chung trên toàn thế giới.
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở cán bộ của Đảng, Nhà nước phải lấy “dân làm gốc” bởi chính người dân sẽ góp phần quyết định sự tồn vong và phát triển của chế độ, của đất nước. Do đó, sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân cần phải được Đảng, Nhà nước chăm lo, vun vén. “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng tư tưởng “lấy dân làm gốc”, dựa vào nhân dân, tin vào lực lượng, trí tuệ của nhân dân trong bản Di chúc của Người vẫn sống mãi”, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú chia sẻ.
Trên hết, luôn là tình thương yêu con người
Từng là một giáo viên dạy Văn học, Ngôn ngữ, lại có nhiều năm công tác tại các xã, huyện khó khăn ở vùng Tây Bắc, sau đó công tác tại các cơ quan báo chí, văn nghệ, rồi chuyên tâm nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú đặc biệt yêu thích tư tưởng nhân văn và ngôn ngữ biểu cảm trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy dệt 8-3 Hà Nội, nhân dịp nhà máy chuẩn bị khánh thành và chính thức bước vào sản xuất (8-3-1965). Ảnh: Tư liệu
PGS, TS Nguyễn Thanh Tú cho rằng, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tích hợp cái thâm trầm, sâu lắng, ý tại ngôn ngoại của văn hóa phương Đông; cái chi tiết, cụ thể nhưng đầy hình tượng của lối tư duy phương Tây; bao trùm lên tất cả là tinh thần cách mạng, khoa học, chiều sâu nhân văn của lý luận Mác - Lênin. Phong cách tư duy, chất trí tuệ, ngôn ngữ giản dị, gần gũi với đời thường nhưng có sức lay động tâm can của nhà hiền triết Hồ Chí Minh.
Ấy thế nhưng, bình sinh Bác là người lạc quan, hài hước. Phong cách ngôn ngữ của Bác cũng là một phong cách giàu chất lạc quan. Ngay đến khi phải viết những lời cuối cùng để vĩnh biệt, Người vẫn luôn lạc quan, chan chứa tình cảm với dân với nước, tha thiết tình người, lòng cao thượng, trong sáng và đẹp đẽ.
Yếu tố ngôn ngữ trong Di chúc của Người từng chữ, từng lời đều chân thật, gần gũi, giản dị như chính con người của Người, vì thế mỗi câu, mỗi đoạn và cả bản Di chúc đã lay động, thấm đến triệu triệu trái tim nhân dân Việt Nam. “Cuối cùng tôi để lại muôn vàn tình thương yêu…”, một cách nói sao mà thân thuộc. Chỉ riêng hai tiếng “muôn vàn” thôi cũng đủ để toàn dân hiểu rằng, tình cảm của Bác với toàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ mọi miền Tổ quốc là không thể đo đếm.
Đại biểu phụ nữ các dân tộc tỉnh Hà Giang về thăm Hà Nội vui mừng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh (25-11-1965). Ảnh: Tư liệu
Theo PGS, TS Nguyễn Thanh Tú, từ cách sử dụng ngôn ngữ như vậy làm toát lên trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao trùm lên tất cả chính là chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, luôn hướng về con người, giải phóng con người. Trong bản Di chúc, có thể thấy tình yêu thương con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ở sự quan tâm tinh thần chủ nghĩa nhân văn cao cả cùng những việc làm thiết thực cho từng đối tượng, vì từng đối tượng.
Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Bác căn dặn: … “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm... Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp...”.
Trong chiến lược về xây dựng con người, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trong việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Người rất quan tâm tới những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đã được rèn luyện trong chiến đấu và căn dặn: “Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Đây là tư tưởng thể hiện rất rõ sự thống nhất giữa tính nhân văn cộng sản và tầm nhìn chiến lược về lựa chọn, bồi dưỡng phát huy nhân tố con người của Bác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi chuyện mẹ Nguyễn Thị Suốt, người Anh hùng đã chèo đò đưa bộ đội qua sông Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình, dưới bom đạn đế quốc Mỹ (30-12-1966). Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dành sự quan tâm sâu sắc đến việc bồi dưỡng, cất nhắc, giúp đỡ phụ nữ, để họ tiến bộ, bình đẳng và thật sự được giải phóng. Người căn dặn: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ". Đối với nông dân là những người luôn luôn trung thành với Đảng và Chính phủ, ra sức góp của góp người trong kháng chiến, Bác đề nghị: "Miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất...".
Ngay cả đối với những người Việt Nam lầm lỡ, trước đây làm việc cho chế độ cũ hoặc không lương thiện trong chế độ xã hội cũ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ gọi họ là "nạn nhân của chế độ xã hội cũ" và nhắc nhở: "Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện".
Có thể thấy rõ, tính nhân văn trong Di chúc của Người không chỉ là lòng thương yêu con người sâu sắc. Mà đó còn là sự quan tâm, biết ơn, trân trọng, tin tưởng vào sức mạnh của con người, quyết tâm hành động để mang lại hạnh phúc, ấm no cho con người, giải phóng con người.
Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng
Qua 55 năm thực hiện Di chúc, với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong nhiều thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam hết sức coi trọng việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với nhân dân, các đối tượng có công, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công với nước. Đến nay, cơ bản mọi gia đình người có công đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương nơi cư trú. Thực hiện tốt chính sách chăm sóc, đãi ngộ người có công với cách mạng không chỉ là đền ơn đáp nghĩa, phát huy truyền thống yêu nước, đạo lý nhân văn của dân tộc, mà còn có ý nghĩa, là “đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta” như Bác Hồ đã viết trong Di chúc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao việc giáo dục cho thế hệ trẻ phải có tinh thần yêu nước, khát vọng vươn lên. Ảnh: Tư liệu
Để tạo ra tiềm lực lớn hơn, đền ơn đáp nghĩa, Đảng, Nhà nước luôn không ngừng nỗ lực đề ra các kế hoạch phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ... Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”.
Thực hiện tốt lời dạy của Bác đã viết trong Di chúc, mong muốn Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển văn hóa và kinh tế. Nghĩa là mọi chính sách của Ðảng và Nhà nước đều phải hướng tới mục tiêu từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định trách nhiệm của Ðảng và Nhà nước đối với nhiệm vụ chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Người nhấn mạnh: “Cán bộ Ðảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải lãnh đạo tổ chức, giáo dục nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Ðảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”.
Thực hiện di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta kiến tạo đường lối đổi mới, đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, từng bước ổn định kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân lao động không ngừng được nâng cao. Từ một nước có tốc độ phát triển rất thấp sau những năm chiến tranh, nước ta trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển cao và ổn định ở khu vực và thế giới. Sau gần 40 năm Đổi mới, "Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Người dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội (16-7-1960). Ảnh: Tư liệu
Các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước luôn hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đến nay, Việt Nam đã trở thành một quốc gia hòa bình, thống nhất, nhân dân được sống trong độc lập, tự do, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt 430 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ năm trong ASEAN. GDP bình quân đầu người năm 2023 đạt khoảng 4.300 USD, tăng 54 lần so với năm 1975 (80 USD); Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương thực, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới.
Đi đôi với tăng trưởng kinh tế, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, mức sống và chất lượng sống ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm đều khoảng 1,5% - từ 58% (theo chuẩn cũ) năm 1993 xuống chỉ còn 2,93% (theo chuẩn nghèo đa chiều) năm 2023.
Hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển; nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi; nhiều công nghệ mới được nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả.
Tính đến hết tháng 6-2024, cả nước có 6.274/8.162 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 76,86%); trong đó, có 2.115 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hầu hết các xã nông thôn đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và đặc biệt là phủ sóng 4G đến cả những xã vùng sâu, vùng xa.
Công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống người lao động, nhất là các nhóm yếu thế, đối tượng chính sách tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác bình đẳng giới ngày càng thực chất hơn, vai trò và địa vị của phụ nữ được cải thiện, nâng lên. Tuổi thọ trung bình của người dân tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2023. Năm 2023, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,726, thuộc nhóm các nước có trình độ phát triển con người ở mức cao của thế giới. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa Mục tiêu Thiên niên kỷ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường từ Đôn Chương đến thăm Pác Bó và Hà Quảng 20-2-1961. Ảnh: Tư liệu
Nhìn lại 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta tự hào và thêm quyết tâm thực hiện tốt hơn nữa lời căn dặn của Bác trong Di chúc, nguyện chăm lo tốt nhất cho nhân dân, thực hiện thành công công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
(còn nữa)
Tạ Ngọc (Theo qdnd.vn)