UBND tỉnh vừa có tờ trình đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét, cho chủ trương để tỉnh triển khai xây dựng, lập hồ sơ khoa học xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với hai quần thể di tích đền Phú Đa, xã Phú Đa và đình Cam Giá, xã An Tường đều ở huyện Vĩnh Tường.
Uy nghiêm đền Đá Phú Đa.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch trong năm 2024 tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản quốc gia về chủ trương lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích đền Phú Đa. Sau khi có văn bản chấp thuận chủ trương sẽ tiếp tục lập hồ sơ khoa học (dự kiến thực hiện trong năm 2025).
Theo tư liệu hồi cố được ghi chép lại trong hồ sơ di tích, đền Phú Đa, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường được khởi dựng vào triều Vua Lê Hiển Tông. Đền Phú Đa mang tên dân gian là đền Quan Thị hay đền Đá, gắn với tên tuổi của danh tướng Nguyễn Danh Thường.
Sinh thời, ông là người có đức, có tài, lập được nhiều công trạng, được triều đình phong đến chức Tham mưu quân Đô đốc phủ, Khâm sai kiểm sát thành, trấn thủ cả một vùng rộng lớn từ Sơn Tây đến Thái Nguyên. Với tuổi đời hơn 300 năm, đền đá Phú Đa là một trong những di tích lịch sử lâu đời nhất tỉnh.
Đối với đình Cam Giá, trong năm 2024, lập hồ sơ trích ngang, tham mưu UBND tỉnh có văn bản xin ý kiến Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chấp thuận chủ trương lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Tiếp tục hoàn thiện, lập hồ sơ khoa học, sau khi có văn bản chấp thuận chủ trương của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Đình Cam Giá (được xây dựng năm 1811) dưới triều vua Gia Long, đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia từ năm 1996. Đình thờ 2 vị Thành Hoàng là Cao Sơn Đại Vương và Cự Hải Đại Vương. Theo truyền thuyết, hai ông là Bộ tướng của Tản Viên Sơn Thánh có công đánh giặc Thục thời Hùng Vương và có công mở đất, âm phù, bảo hộ cho vùng đất Cam Giá.
Tin, ảnh: Khánh Linh