Nhiều người biết cơ quan Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) là một bộ phận quan trọng, không thể thiếu trong cơ cấu hệ thống chính trị của nước ta. Tuy nhiên, không hẳn ai cũng biết giá trị to lớn của tổ chức này trong công cuộc dựng nước, giữ nước và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam.
Với sự vào cuộc sâu sắc của MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn, bộ mặt nông thôn Vĩnh Phúc ngày càng khởi sắc thông qua các chương trình thiết thực và ý nghĩa như xây dựng nông thôn mới.
Chỉ 10 tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, MTTQ Việt Nam đã chính thức xuất hiện (dưới nhiều hình thức, tên gọi khác nhau). Kể từ đó, dù trong giai đoạn nào của Cách mạng Việt Nam, tổ chức này cũng chưa bao giờ vắng bóng. Nội chi tiết này đã đủ nói lên tầm quan trọng của MTTQ đối với sự tồn vong và phát triển của đất nước ta.
Trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, dù ở giai đoạn nào, lúc thăng lúc trầm, lúc chưa có chính quyền hay đã giành được chính quyền, MTTQ đều là thành viên chiến lược không thể thiếu trong hệ thống chính trị.
Khi Đảng còn hoạt động bí mật, MTTQ đã tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, vận động, giác ngộ, tập hợp nhân dân đấu tranh lật đổ chính quyền địch, giành chính quyền về tay nhân dân.
Khi giành được chính quyền, MTTQ lại vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết chiến đấu, đánh thắng các thế lực xâm lược bảo vệ chính quyền non trẻ, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.
Xét một cách tổng quan cho thấy, nếu thiếu MTTQ trong hệ thống chính trị thì đất nước không còn tổng thể lực lượng chính trị, qua đó không thể phát huy hết được nguồn lực trong nhân dân.
Điều này một mặt làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước; không có cơ chế để kiểm soát xu hướng quan liêu, lạm quyền và những tiêu cực khác trong bộ máy Nhà nước; hạn chế việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân và gây ra nhiều khó khăn khác cho hoạt động của hệ thống chính trị.
Mặt khác, trong điều kiện hiện nay, trước những quan hệ chính trị - xã hội phức tạp, nhạy cảm của các tổ chức, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, nếu chỉ đơn thuần giải quyết bằng thể chế, pháp luật của Nhà nước mà thiếu những biện pháp vận động, thuyết phục, hòa giải, tuyên truyền, hiệp thương của MTTQ thì hiệu quả tập hợp nhân dân không cao, chế độ dân chủ sẽ biến thành chế độ độc đoán, duy ý chí, thiếu khách quan, công bằng, dân chủ, văn minh…
Do đó, sự tồn tại cũng như vai trò, vị trí của MTTQ trong hệ thống chính trị Việt Nam xét dưới góc độ khoa học và quan hệ cơ cấu xã hội là một tất yếu khách quan, giá trị của MTTQ là không thể đong đếm.
Trong giai đoạn đổi mới, đa phương và hội nhập toàn cầu như hiện nay, Mặt trận cần kế tục và phát huy được truyền thống, kinh nghiệm quý báu trong lịch sử để phát huy cao nhất tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, qua đó khơi dậy nguồn lực nội sinh, góp phần quan trọng hoàn thành sứ mệnh đưa đất nước ta sánh vai các nước phát triển trên thế giới.
MTTQ với vai trò là liên minh chính trị rộng rãi, phối hợp sức mạnh của các tổ chức thành viên phải tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nhận thức rõ về đường lối, chủ trương, chính sách và các nghị quyết của Đảng.
Ủy ban Mặt trận các cấp cần thường xuyên tổ chức cho nhân dân học tập, nghiên cứu về các chính sách, nghị quyết của Đảng. Thông qua các hình thức như tuyên truyền phổ biến các tài liệu, thông qua hệ thống cơ quan truyền thông của Mặt trận, thông qua các cuộc thi tìm hiểu, các diễn đàn nhân dân...
Trong quá trình vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, thông qua ý kiến quần chúng nhân dân, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội kịp thời đề xuất với Đảng những khó khăn, vướng mắc để Đảng có những giải pháp chỉ đạo kịp thời, nâng cao hiệu quả trong thực tiễn đời sống nhân dân.
Thông qua việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng trong lĩnh vực đời sống xã hội, Đảng rút ra những kinh nghiệm quý báu trong việc đề ra các quyết định cụ thể của mình trong quá trình phát triển đất nước.
Thông qua mối quan hệ chặt chẽ giữa MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội với Đảng, mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân với Đảng được củng cố, phát triển; sức mạnh của Đảng được tăng cường.
Nhờ đó, nhân dân sẽ ngày càng giác ngộ sâu sắc về chủ nghĩa xã hội, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng; hăng hái tham gia các phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bài, ảnh: Quang Nam