Từ ngày 1/8/2024, Luật Đất đai năm 2024 (sửa đổi) chính thức có hiệu lực. Với những thay đổi quan trọng, bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng và phù hợp với thực tiễn, khắc phục những vướng mắc, bất cập thời gian qua, Luật Đất đai năm 2024 được kỳ vọng sẽ tạo những động lực lớn, huy động và phát huy các nguồn lực, hoàn thiện thể chế, từ đó thúc đẩy thị trường đất đai, xây dựng và bất động sản phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững hơn.
Hoàn thiện thể chế
Ngày 18/1/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội Khóa XV, Luật Đất đai năm 2024 chính thức được thông qua. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển.
Luật Đất đai năm 2024 gồm 16 chương, 260 điều; trong đó, sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013, bổ sung mới 78 điều.
Luật mới đã thể chế hóa toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng, tháo gỡ những vướng mắc được rút ra trong tổng kết thực tiễn việc tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013; đồng thời luật hóa những quy định đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp, góp phần khơi thông nguồn lực đất đai để phát triển đất nước.
Với nhiều điểm mới, Luật Đất đai năm 2024 đang nhận được kỳ vọng lớn từ dư luận và giới chuyên gia về “cuộc cách mạng” trong chính sách quản lý, sử dụng đất đai.
Luật Đất đai năm 2024 có thêm những quy định được điều chỉnh theo hướng đảm bảo quyền và lợi ích tối đa cho người dân.
Điển hình là việc luật đã quy định, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai; phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đất đai; phân cấp thẩm quyền gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương; nêu rõ trách nhiệm và những đảm bảo của Nhà nước đối với người sử dụng đất.
Luật cũng góp phần giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; giải quyết các vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất, tăng cường quản lý đất đai cả về số lượng, chất lượng và giá trị kinh tế.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng: Luật Đất đai năm 2024 đã có nhiều đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng, khai thác đất đai hiệu quả và phù hợp với thực tiễn trong giai đoạn hiện nay như chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng đơn giản, hạn chế sự trùng lặp với các quy hoạch khác có liên quan.
Các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đảm bảo công khai, minh bạch các loại dự án do Nhà nước thu hồi được nêu cụ thể và làm rõ trách nhiệm của các cấp trong việc thu hồi, bỏ khung giá đất, làm rõ phương pháp và thẩm quyền trong việc xác định giá đất, mở rộng quyền của người sử dụng đất và hạn mức nhận quyền sử dụng đất, xử lý các tồn tại về đất đai.
Chờ hướng dẫn thực thi
Nhiều nội dung mới, có tính đột phá sẽ tạo dựng hành lang pháp lý hoàn thiện và đầy đủ hơn để giải quyết thủ tục pháp lý cho các dự án đang dang dở, thúc đẩy phê duyệt dự án mới, bổ sung nguồn cung mới vào thị trường, tạo nền tảng cho thị trường bất động sản phục hồi và phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững.
Đặc biệt, Luật Đất đai năm 2024 có thêm những quy định được điều chỉnh theo hướng đảm bảo quyền và lợi ích tối đa cho người dân.
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt trong Luật Đất đai sửa đổi lần này là việc cho phép cấp sổ đỏ đối với các trường hợp không giấy tờ. Cụ thể là những trường hợp như tự ý chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang làm nhà ở, đất xen kẹt, giao đất trái thẩm quyền, đất ông cha để lại nhưng không có giấy tờ... Mốc thời gian là trước ngày 1/7/2014.
Tuy nhiên, để thực hiện được cần có những điều kiện nhất định. Và hiện nay, một số điều kiện đang cần hướng dẫn rõ ràng từ Nghị định thi hành luật.
Mong muốn lớn nhất của chính quyền và người dân là sớm có văn bản hướng dẫn cùng các quy định được cụ thể hóa, dễ hiểu và dễ áp dụng đối với Luật Đất đai năm 2024.
Chia sẻ với phóng viên Báo Vĩnh Phúc, bà Nguyễn Thị Lan, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên cho biết: Ngay sau khi biết Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024, tôi rất háo hức chờ đợi. Gia đình tôi có mảnh đất khai hoang chưa đủ điều kiện cấp giấy tờ theo Luật Đất đai năm 2013. Bởi vậy, tôi rất mong chờ văn bản hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường về trình tự, thủ tục cấp sổ đỏ để chúng tôi thỏa mong ước có đất xây dựng nhà ở để ổn định cuộc sống”.
Không chỉ người dân kỳ vọng về những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024, trao đổi với phóng viên, đại diện hầu hết các địa phương trong tỉnh đều cho rằng: Luật Đất đai (sửa đổi) giúp quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với giải quyết các vướng mắc, tồn tại trên thực tế. Từ đó, giảm tải được rất nhiều áp lực cho chính quyền và người dân. Tuy nhiên, một số nội dung vẫn phải có hướng dẫn chi tiết, rõ ràng khi triển khai thực hiện.
“Luật Đất đai năm 2024 đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng và tháo gỡ cơ bản các vướng mắc, tồn tại. Tôi tin tưởng luật sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tế. Trong bối cảnh pháp luật về đất đai được cải cách và nâng cấp, mong muốn lớn nhất của chính quyền và người dân là sớm có các văn bản hướng dẫn cùng các quy định được cụ thể hóa, dễ hiểu và dễ áp dụng”, ông Đặng Văn Thưởng, Chủ tịch UBND xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên chia sẻ.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ