Kỳ 2: Những tín hiệu khả quan
Vượt qua những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, các hạng mục chính của Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc đã được hoàn thành trước ngày 31/12/2023 theo đúng tiến độ đề ra. Chỉ sau một thời gian ngắn đi vào vận hành, dự án đã mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt trong việc đảm bảo kiểm soát lũ lụt tại lưu vực trung tâm của tỉnh.
Nỗ lực về đích sớm
Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc có thời gian thực hiện đến ngày 30/6/2025. Tuy nhiên, với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, đưa dự án vào vận hành, phát huy hiệu quả đầu tư trong thời gian sớm nhất, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo hoàn thành các hạng mục chính sử dụng vốn Ngân hàng Thế giới hoàn thành trước ngày 31/12/2023.
Để bảo đảm đúng thời gian cam kết, các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát đã huy động lực lượng, phương tiện, tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ công trình.
Tuy nhiên, dự án gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tổng diện tích đất cần thu hồi hơn 503 ha; dự kiến thời gian thực hiện từ tháng 5/2015 đến hết năm 2019. Nhưng trong khoảng thời gian từ tháng 6/2016 đến tháng 1/2018, dự án tạm dừng do phải điều chỉnh quy hoạch của hai phần ba hạng mục thuộc giai đoạn 1.
Để đảm bảo tiến độ triển khai dự án, UBND tỉnh đã chỉ đạo sát sao, yêu cầu Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài hằng tuần báo cáo tiến độ thực hiện, những khó khăn, vướng mắc để kịp thời chỉ đạo giải quyết.
Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài trong quá trình triển khai thực hiện dự án; yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, bàn giao 100% mặt bằng cho các nhà thầu có đủ thời gian để thi công hoàn thành dự án.
Nhớ lại quãng thời gian khó khăn đó, Giám đốc Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài Hồ Quang Phúc cho biết: Nhằm đẩy nhanh nhất tiến độ dự án, Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài chủ động tham mưu UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các vấn đề về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, Ban liên tục duy trì kiểm tra, đôn đốc tiến độ hằng ngày, họp giao ban tiến độ cho từng gói thầu hằng tuần và đột xuất để đôn đốc kịp thời; kiên quyết yêu cầu nhà thầu tăng 2 ca và 3 ca liên tục tùy từng hạng mục công trình để bù thời gian bị chậm; điều chuyển khối lượng cho các thành viên khác của liên danh, chỉ định thầu phụ hoặc tổ đội tăng cường thi công... Theo đó, đến ngày 31/12/2023, các hạng mục chính của Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc đã được hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra.
“Với sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các đơn vị, địa phương, dự án đã được triển khai đảm bảo tiến độ, mục tiêu đề ra, được Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới ghi nhận, đánh giá là dự án có tiến độ tốt trong các dự án tương tự mà Ngân hàng Thế giới đang cho vay, triển khai thực hiện tại Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại, tổng khối lượng công việc trên công trường cho toàn bộ 15 gói thầu xây lắp cơ bản hoàn thành, đảm bảo vận hành bơm tiêu trong mùa mưa lũ năm 2024” - ông Hồ Quang Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài khẳng định.
Thành quả ngọt ngào
Việc đưa vào vận hành các hạng mục của Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc ngay lập tức đã góp phần tăng cường khả năng chống lũ, chống ngập, giảm thiểu tác động của thiên tai; kiểm soát nguy cơ lũ lụt, cắt giảm điều tiết lũ cho lưu vực sông Phan, sông Cà Lồ; tăng khả năng tiêu thoát lũ, tích trữ nước và điều hòa cho sông Phan, sông Cà Lồ.
Trong cơn bão số 2 vừa qua, đường chân cầu vượt, đoạn qua Siêu thị Go! Vĩnh Phúc và Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 88.01S, các phương tiện đi lại thuận tiện vì không còn tình trạng ngập úng. Ảnh: Chu Kiều
Mùa lũ năm 2022, các công trình xây dựng đã hoàn thành (điều tiết cầu Tôn và cầu Sắt) đã phát huy tác dụng làm chậm lũ khi có mưa lớn từ Tam Đảo đổ về khu công nghiệp Bình Xuyên, vì vậy, các nhà máy trong khu công nghiệp có đủ thời gian và phương án ứng phó trong khoảng 2 ngày.
Năm 2023, các trạm điều tiết tại Vĩnh Sơn và Lạc Ý đi vào hoạt động không chỉ làm tốt việc điều tiết lũ trên sông Phan đổ về thành phố Vĩnh Yên mà còn có tác dụng dâng nước để phục vụ tưới trong mùa khô.
Mùa lũ năm 2024, các trạm bơm và hệ thống thoát lũ đã được vận hành tốt ngay từ đầu tháng 4 đến nay.
Đặc biệt là sau cơn bão số 2 vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua, theo ghi nhận từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng từ cơn bão số 2, tổng lượng mưa từ ngày 23 - 31/7/2024 trên địa bàn các phường Liên Bảo và Khai Quang lần lượt là 208,1 mm và 239,0 mm. Đây được coi là lượng mưa đáng kể, có thể gây ngập úng trong những năm trước đây.
Tuy nhiên, dưới sự vận hành của 3 trạm bơm Kim Xá, Nguyệt Đức, Ngũ Kiên và hệ thống kênh hút cùng các hồ chứa được cải tạo đã tăng dung tích trữ nước vào mùa khô lên 7,5 triệu m3, bảo đảm điều hòa và quản lý tốt nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp. Cùng với các dự án thoát nước mặt tại các điểm ngập trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, tình trạng ngập úng cục bộ tại đô thị cũng cơ bản được kiểm soát.
Không chỉ xóa bỏ hoàn toàn các điểm đen về ngập lụt trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, việc vận hành các công trình của dự án cũng góp phần giải quyết triệt để tình trạng ngập úng trên những cánh đồng của các địa phương như Yên Lạc, Vĩnh Tường.
Trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Phúc trong những ngày đầu tháng 8, ông Nghiêm Xuân Vừng, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Vĩnh Tường chia sẻ: Những năm trước đây, mỗi khi bước vào mùa mưa lũ, rất nhiều diện tích lúa của người dân trên địa bàn bị ngập úng do không tiêu thoát kịp. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, với sự vận hành của các trạm bơm được xây dựng từ Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, tình trạng ngập úng đã không còn.
Chỉ mới vận hành từ tháng 4, vì thế, hiệu quả Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc sẽ cần có thời gian dài để kiểm chứng. Nhưng với những tín hiệu khả quan được ghi nhận sau khi các hạng mục chính của dự án đi vào hoạt động, có thể thấy bài toán về ngập cục bộ trên địa bàn tỉnh đã bước đầu tìm ra lời giải rốt ráo.
Việc đưa vào vận hành dự án trước mắt đã góp phần tăng cường khả năng chống lũ, chống ngập, giảm thiểu tác động của thiên tai; kiểm soát nguy cơ lũ lụt, cắt giảm điều tiết lũ cho lưu vực sông Phan, sông Cà Lồ; tăng khả năng tiêu thoát lũ, tích trữ nước và điều hòa cho sông Phan, sông Cà Lồ.
Xa hơn nữa là cải tạo môi trường sinh thái và hình thành các hồ điều hòa, phù hợp với quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Theo báo cáo từ Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài, trong đợt bão số 2, các trạm bơm tiêu do đơn vị quản lý đã vận hành bơm tiêu được hơn 11 triệu m3 nước ra sông Hồng và sông Phó Đáy. Bởi vậy, dù chịu ảnh hưởng của bão số 2, cùng với việc hầu hết các hồ lớn trên địa bàn tỉnh phải xả tràn do mực nước tăng nhanh, nhưng tình trạng ngập úng trên địa bàn tỉnh đã giảm rõ rệt. |
Thiệu Vũ