Sáng 8/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc có lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh, các sở, ngành thành viên BCĐ 389 tỉnh.
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh và các thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc.
Theo báo cáo của BCĐ 389 Quốc gia, 6 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý hơn 64.000 vụ việc vi phạm (giảm 2,82% so với cùng kỳ). Trong đó, phát hiện, bắt giữ 6.042 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng hơn 172% so với cùng kỳ); 55.133 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 8,55% so với cùng kỳ); thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 6.000 tỷ đồng (giảm 7,53% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 650 vụ (giảm 44,25% so với cùng kỳ) với 1.913 đối tượng (giảm 18,82% so với cùng kỳ).
Báo cáo cũng làm rõ tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tuyến biên giới trên đất liền; tuyến biển, cảng biển; tuyến hàng không và bưu chính quốc tế; địa bàn nội địa với các phương thức, thủ đoạn mới; kết quả phát hiện, bắt giữ, xử lý của BCĐ 389 các bộ, ngành, lực lượng chức năng…
Theo đánh giá, 6 tháng đầu năm 2024, các lực lượng đã tích cực, chủ động tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo đúng thẩm quyền, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như số vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm bị phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ; công tác điều tra, bắt giữ, xử lý đối tượng cầm đầu, chủ mưu còn hạn chế; một số vụ việc không bắt giữ được đối tượng vi phạm…
Các đại biểu dự hội nghị đã nghe tham luận của các tỉnh, thành phố về tình hình địa bàn, kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; những vụ việc xử lý vi phạm điển hình; các hành vi, thủ đoạn mới; những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất liên quan…
Tại Vĩnh Phúc, 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã kiểm tra 373 vụ, qua đó phát hiện 197 vụ vi phạm, xử lý 189 vụ với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng.
6 tháng cuối năm 2024, kinh tế đất nước tiếp tục đà phục hồi, phát triển tích cực. Do đó, dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, hàng trái phép, hàng nhập lậu, hàng giả trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, cảng biển, vùng biển, địa bàn nội địa có xu hướng gia tăng.
Đồng thời lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, dịch vụ chuyển phát nhanh, các đối tượng sẽ tăng cường hoạt động buôn bán, gian lận thương mại và hàng giả với phương thức, thủ đoạn mới tinh vi hơn, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.
Trên cơ sở đó, BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương xác định tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, tiếp tục rà soát, kiến nghị xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp diễn biến tình hình địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ; tập trung đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá, xăng dầu, đường cát, vàng, ngoại tệ…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng BCĐ 389 Quốc gia ghi nhận các ý kiến tham luận của các địa phương, đề nghị Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Quốc gia tổng hợp, bổ sung vào báo cáo.
Theo Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, nhìn chung trong 6 tháng đầu năm 2024 không có những vụ việc nổi cộm. Tuy nhiên, hành vi buôn bán ma túy vẫn là vấn đề gây nhức nhối cần phải làm quyết liệt hơn.
Mặt khác, các đối tượng lợi dụng “khoảng trống” trong hành lang pháp lý, thương mại điện tử để vi phạm nên các cơ quan chức năng phải dự báo được tình hình để có các giải pháp phòng, chống hiệu quả.
Dự báo 6 tháng cuối năm 2024, tình hình vi phạm thương mại sẽ phát sinh do nhu cầu mua sắm tăng cao. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện tốt 7 nhiệm vụ, yêu cầu, trong đó phải nêu cao vai trò của người đứng đầu; tăng cường phối hợp trong thực thi nhiệm vụ; nâng cao năng lực làm việc; tăng cường công tác tuyên truyền để mỗi người dân là khách hàng thông thái; rà soát, điều chỉnh các quy định pháp luật còn bất cập để sửa đổi, bổ sung; ứng dụng công nghệ số trong xử lý vi phạm hành chính; tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có giải pháp, cách làm mới, hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tin, ảnh: Hà Trần