Với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (NCT) bảo đảm thích ứng với tình trạng già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động chăm sóc, trợ giúp, động viên NCT sống vui - khỏe - có ích.
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc khám mắt cho người cao tuổi thị trấn Yên Lạc. Ảnh: Dương Chung
Hiện, toàn tỉnh có hơn 190 nghìn người từ 60 tuổi trở lên. Cùng với thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm chăm lo, hỗ trợ, nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT như Nghị quyết số 92 của HĐND tỉnh “Quy định mức quà tặng chúc thọ, mừng thọ NCT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”. Theo đó, Vĩnh Phúc là 1 trong 2 tỉnh, thành phố có mức quà chúc thọ, mừng thọ cao nhất cả nước.
Bên cạnh đó là Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh về “Quy định chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”; Nghị quyết số 18 “Quy định mức trợ giúp xã hội hằng tháng cho NCT từ đủ 70 đến dưới 80 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”; Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh quy định hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho NCT từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi với mức 30 - 50%.
Nhiều chương trình, kế hoạch quan tâm, chăm sóc NCT đã được UBND tỉnh xây dựng và triển khai hiệu quả, như Kế hoạch số 220 về “Chăm sóc sức khỏe NCT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030”, Kế hoạch số 38 về “Thực hiện Chương trình quốc gia về NCT Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 -2030”…
Với sự quan tâm của các cấp, ngành, các hội, đoàn thể ở địa phương, chất lượng cuộc sống, tuổi thọ trung bình của NCT trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, số năm sống khỏe mạnh của NCT lại không được cao.
Thống kê của Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh cho thấy, tỷ lệ NCT trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên. Nếu như năm 2009, Vĩnh Phúc bước vào giai đoạn già hóa dân số với gần 9,7% dân số từ 60 tuổi trở lên, thì đến nay, tỷ lệ này là hơn 15,6% và dự báo sẽ tăng lên 16,5% vào năm 2029.
Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện ở mức 73,6 tuổi, trong khi số năm sống khỏe mạnh tính từ lúc sinh chỉ đạt khoảng 65 năm. Hầu hết NCT đều mang ít nhất một bệnh mãn tính, trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng chưa thích ứng với tốc độ già hóa dân số nhanh; việc xây dựng môi trường thân thiện với NCT và triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe NCT, để NCT sống vui, sống khỏe là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Trước những thách thức đặt ra, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với các cấp, ngành, địa phương đổi mới hoạt động truyền thông từ tỉnh tới cơ sở với nhiều hình thức đa dạng; triển khai nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT; nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở trong việc chăm sóc sức khỏe NCT…
Từ năm 2022 đến nay, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức gần 100 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe NCT cho đội ngũ cộng tác viên, cán bộ dân số, y tế cơ sở; hơn 70 hội nghị cung cấp kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho NCT và người nhà NCT.
Đến nay, có hơn 62% NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm; 70% NCT được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe; 40% NCT được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sa sút trí tuệ...); 48,5% câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các loại hình câu lạc bộ khác của NCT có nội dung chăm sóc sức khỏe; 48,5% số xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 câu lạc bộ, 1 đội tình nguyện viên tham gia chăm sóc sức khỏe NCT.
Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGÐ tỉnh Đào Anh Thái cho biết: "Xu hướng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao nhận thức, sự quan tâm của toàn xã hội đối với NCT để thích ứng với già hóa dân số là rất cần thiết.
Để NCT sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc hơn thì nội dung hoạt động, cách thức tuyên truyền, vận động về công tác chăm sóc NCT nhằm thay đổi hành vi, tạo môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe NCT cũng cần phải được đổi mới, chuyên sâu và hiệu quả.
Ngoài ra, hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng, chống bệnh không lây nhiễm, khám, chữa bệnh cho NCT cũng cần được củng cố và phát triển. Từ đó từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho NCT; nâng cao hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe NCT, thích ứng với già hóa dân số, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh".
Minh Nguyệt