Những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản tự nhiên của tỉnh có xu hướng suy giảm do tình trạng khai thác, đánh bắt thủy sản không đúng quy định. Một số loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá Dầm xanh, cá Anh Vũ… có nguy cơ tuyệt chủng, làm ảnh hưởng đến sản lượng khai thác thủy sản tự nhiên. Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho tỉnh thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo từng giai đoạn. Mới đây, tỉnh cũng có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp...
Tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản trái phép
Vĩnh Phúc được thiên nhiên ban tặng 3 vùng cảnh quan gồm miền núi, trung du và đồng bằng; có sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy chảy qua và hệ thống đầm, hồ phân bố rải rác khắp địa bàn tỉnh.
Đây là điều kiện thuận lợi cho nguồn lợi thủy sản tự nhiên tự tái tạo, phát triển. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng xung điện, kích điện để đánh bắt thủy sản diễn ra tại các địa phương khiến nguồn thủy sản tự nhiên có xu hướng suy giảm. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Thực hiện chỉ đạo về việc nghiêm cấm sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ để khai thác thủy sản, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo từng giai đoạn.
Theo đó, bên cạnh đẩy mạnh thông tin tuyên truyền; điều tra, khảo sát nguồn lợi thủy sản, đơn vị còn tăng cường phối hợp thực hiện kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hoạt động khai thác thủy sản trái phép; thả cá giống bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực tự nhiên…
Hoạt động phóng sinh góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, hằng năm, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) chủ động phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) tổ chức kiểm tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, ngư cụ cấm sử dụng trong khai thác thủy sản, nhất là hành vi sử dụng kích điện, chất độc để đánh bắt thủy sản.
Riêng năm 2023, đơn vị đã tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, Sông Lô, Lập Thạch và thành phố Phúc Yên.
Qua quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện, bắt giữ 4 trường hợp sử dụng kích điện để đánh bắt thủy sản tại huyện Lập Thạch. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm, bàn giao vụ việc cho chính quyền địa phương xử lý theo quy định.
Nuôi cá lồng là một trong những giải pháp phát triển thủy sản theo hướng bền vững.
Chi cục Thủy sản thường xuyên phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy (Công an tỉnh) thực hiện tuần tra, kiểm soát khai thác thủy sản và hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng bè trên tuyến sông Lô; xử lý những trường hợp làm đăng, đó ảnh hưởng đến khai thác thủy sản sai quy định. Tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng các ngư cụ bị cấm, tự nguyện giao nộp các ngư cụ bị cấm để từng bước hạn chế, tiến tới loại bỏ hành vi sử dụng ngư cụ hủy diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản.
Tái tạo nguồn lợi thủy sản
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 khu vực cấm khai thác trên sông Hồng, thuộc địa bàn huyện Vĩnh Tường. Theo đó, từ ngày 1/3-31/7 hằng năm, cơ quan chức năng cấm các hoạt động khai thác cá Anh Vũ, cá Dầm Xanh, cá Lăng, cá Chiên, cá Ngạnh, cá Mòi cờ Hoa...
Để thực hiện tốt nội dung trên, Chi cục Thủy sản đã có văn bản triển khai tới các địa phương ven sông kiểm tra, kiểm soát người dân không khai thác, ngăn cản đường đi di cư sinh sản, bãi đẻ của các loài cá nằm trong danh mục cấm theo quy định.
Chủ trì, phối hợp với các địa phương và Hội Phật giáo tỉnh tổ chức thả bổ sung các loài thủy sản vào thủy vực sông, hồ tự nhiên nhằm khôi phục khả năng tự tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo cân bằng sinh thái, ổn định quần xã thủy sinh vật ở các thủy vực trên địa bàn tỉnh.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không làm đăng, đó ngăn cản đường đi di cư sinh sản, bãi đẻ của các loài cá nằm trong danh mục cấm theo quy định.
Trong năm 2024, Chi cục Thủy sản có kế hoạch thả bổ sung 3.000 kg cá giống vào thủy vực tự nhiên; ưu tiên các loại Mè, Trôi, Trắm cỏ, Chép, cá Chày, cá Lăng, cá Trắm đen...
Đồng thời tổ chức 6 lớp tập huấn trên địa bàn 6 huyện, thành phố để phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan đến bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quy định trong hoạt động khai thác thủy sản.
Thực hiện Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh, Sở NN& PTNT đã phân công các phòng, đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, trên cơ sở bám sát các quy định pháp luật, quy hoạch, chiến lược, chương trình quốc gia liên quan đến phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ngành thủy sản.
Rà soát để trình cấp có thẩm quyền ban hành và hoàn thiện chính sách pháp luật, khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập; nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025…
Bài, ảnh: Hà Trần