Một nhà sản xuất quân sự của Nga thông báo về sự ra đời UAV mới có biệt danh là "ngày tận thế" và nó sẽ được sử dụng trong kịch bản nổ ra xung đột hạt nhân.
Binh sĩ Nga điều khiển UAV.
Giám đốc Trung tâm Giải pháp Không người lái Toàn diện Dmitry Kuzyakin cho biết Nga đã phát triển UAV "ngày tận thế" có khả năng thực hiện các nhiệm vụ trinh sát trong trường hợp xảy ra cuộc chiến hạt nhân.
Trả lời Tass, ông Kuzyakin cho biết Trung tâm trên đã chế tạo UAV Khrust có thể được sử dụng để theo dõi mức độ bức xạ để đảm bảo an toàn cho con người trong môi trường có khả năng bị nhiễm xạ.
Ông Kuzyakin giải thích Khrust được trang bị nhiều loại thiết bị khác nhau, có khả năng cơ động cao và có thể khám phá mọi ngóc ngách trong khi mang theo cảm biến phát hiện chất độc hại hoặc máy đo liều lượng.
Ông cho hay chiếc UAV có thể bay lơ lửng trên không trong 20 phút trong khi chủ động cơ động và được dẫn đường ở phạm vi từ 500m đến 2km, tùy thuộc vào mức độ ô nhiễm của khu vực.
UAV có thể được triển khai chỉ trong 30 giây và được điều khiển từ các phương tiện kín khi di chuyển. Điều này có nghĩa là UAV có thể kiểm tra mức độ ô nhiễm dọc theo tuyến đường qua các khu vực bị tấn công hạt nhân, cũng như phân tích nơi xảy ra các cuộc tấn công hạt nhân ở các thành phố và trên mặt đất, theo ông Kuzyakin.
Ông cho hay Nga hiện đã sở hữu các UAV có khả năng do thám phóng xạ, hóa học và sinh học, nhưng lưu ý rằng chúng khá tốn kém và thường triển khai chậm, trong khi bộ binh có thể cần đánh giá tình hình càng nhanh càng tốt.
Ông Kuzyakin mong rằng chiếc UAV này sẽ không bao giờ cần phải sử dụng tới, tuy nhiên ông nhấn mạnh Nga cần phải chuẩn bị cho mọi tình huống xấu nhất có nguy cơ xảy ra.
Thông tin về UAV "ngày tận thế" xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên tục leo thang trong thời gian qua.
Nga đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ nổ ra xung đột hạt nhân khi phương Tây dồn lực viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với Moscow, và nhích dần qua các "lằn ranh đỏ" của Nga.
Nga đã tổ chức tập trận vũ khí hạt nhân chiến lược nhằm chuẩn bị cho kịch bản quân đội nước này sử dụng vũ khí trong chiến đấu.
Tháng trước, khi được hỏi liệu Nga có nên sử dụng nhiều loại vũ khí hơn trong cuộc xung đột Ukraine hay không, trong bối cảnh ngày càng có nhiều hạn chế được Mỹ dỡ bỏ, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói: "Trong mọi trường hợp, Nga sẽ hành động tuân thủ chặt chẽ Hiến chương Liên hợp quốc và các văn kiện quan trọng khác, cũng như các quy tắc được chấp nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế".
"Chỉ cần ngăn chặn được thảm kịch toàn cầu, chúng tôi sẽ cố gắng làm như vậy. Đáng tiếc, các đối thủ hiện tại của chúng tôi không có chung nguyện vọng với chúng tôi và chúng tôi không thể trông cậy vào sự thông thái, ý chí cũng như khát vọng hòa bình của họ. Điều đó có nghĩa là mọi khả năng đều có thể xảy ra", ông Medvedev cảnh báo.
Theo báo cáo năm 2024 của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, ước tính Nga có 5.580 đầu đạn hạt nhân, trong khi Mỹ có 5.044 đầu đạn.
Hoàng Thúy (Theo Dân trí)