Để phát triển kinh tế, xã hội (KT-XH), xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, kiểu mẫu, huyện Sông Lô tập trung phát triển hạ tầng, nhất là giao thông, giúp việc giao thương hàng hóa thuận lợi, đồng thời thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo (XĐGN) bền vững.
Huyện Sông Lô đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông, kết nối khu trung tâm huyện với các địa phương, mở rộng không gian phát triển. Ảnh: Chu Kiều
Ngay sau khi thành lập huyện (năm 2009), cấp ủy, chính quyền huyện Sông Lô xác định muốn phát triển kinh tế phải đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, giúp việc đi lại của người dân được thuận lợi, dễ dàng trao đổi hàng hóa, đưa các sản phẩm của địa phương ra ngoài huyện, đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào huyện để giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, XĐGN hiệu quả.
Bằng các giải pháp đồng bộ, tích cực và phù hợp với thực tế địa phương, những năm qua, huyện đã huy động, khai thác các nguồn vốn hợp pháp, ưu tiên của tỉnh và sự đóng góp tự nguyện của nhân dân các dân tộc trong huyện.
Nhờ đó, đường giao thông của các xã miền núi khó khăn phía Bắc của huyện như Lãng Công, Hải Lựu, Bạch Lưu, Hợp Lý, Quang Sơn đến các xã đồng bằng như Đức Bác, thị trấn Tam Sơn… được kiên cố hóa, tạo thuận tiện cho việc đi lại, giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.
Năm 2009, khi mới thành lập, toàn huyện chỉ có 12,8% số tuyến đường được cứng hóa, trong đó chủ yếu là tỉnh lộ và đường liên huyện; đến nay, toàn huyện đã cứng hóa 100% các tuyến đường (gần 1.000 km).
Trong đó, 100% đường tỉnh đã trải nhựa và đổ bê tông; 100% đường huyện, đường trục xã, trục thôn, liên thôn và đường ngõ xóm được cứng hóa; 17/17 xã, thị trấn xây dựng được Trung tâm Văn hóa - Thể thao; 95% thôn, làng có nhà văn hóa, sân chơi thể thao, kinh phí duy trì hoạt động các nhà văn hóa thôn, xóm chủ yếu do nhân dân đóng góp.
Về cơ sở vật chất trường học, những năm gần đây, toàn huyện đã huy động mỗi năm hàng chục tỷ đồng đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa trường học, tạo điều kiện cho học sinh học tập tốt hơn. Đến nay, 100% trường học đạt chuẩn quốc gia, hơn 50% trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Đặc biệt, 100% xã đạt chuẩn xã NTM, trong đó, 3 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao gồm Cao Phong, Hải Lựu, Nhạo Sơn; riêng xã Cao Phong đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu vào cuối năm nay.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sông Lô nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phát huy tiềm năng phát triển KT - XH trong giai đoạn mới theo hướng đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng KT - XH đồng bộ, hiện đại; đồng thời tập trung phát triển du lịch, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ.
Đến nay, huyện đã hình thành 3 khu công nghiệp (KCN), trong đó, 2 KCN được lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết và đi vào hoạt động gồm KCN Sông Lô 1 hơn 177,36 ha trên địa bàn 3 xã Đức Bác - Đồng Thịnh - Tứ Yên; KCN Sông Lô 2 quy mô 165,6 ha thuộc xã Đồng Thịnh - Yên Thạch và 3 cụm công nghiệp (CCN). Hoàn thành quy hoạch chi tiết 2 khu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê tại xã Đức Bác và xã Lãng Công.
Bên cạnh đó, huyện hoàn thành quy hoạch chi tiết 4 đề án gồm khu dịch vụ đô thị trung tâm huyện; Trung tâm hành chính huyện; khu du lịch núi Sáng - Bò Lạc; khu du lịch Lập Thạch - Đức Bác… đồng thời hoàn thành một số dự án giao thông trọng điểm phục vụ phát triển các KCN như Tuyến đường từ trung tâm huyện Sông Lô đi nút giao lập thể cao tốc Nội Bài - Lào Cai ở xã Văn Quán dài gần 9 km; tuyến nhánh từ xã Văn Quán đến KCN Sông Lô 1 dài hơn 3 km...
Đến nay, 2 KCN Sông Lô 1 và Sông Lô 2 đã đi vào hoạt động, thu hút một số doanh nghiệp lớn đến đầu tư như Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghiệp Việt Nam (VID Group); Công ty TNHH May mặc Trường Âu Phát đầu tư xây dựng nhà máy quy mô 5.000m2, thu hút từ 500 - 800 lao động; Công ty TNHH Đầu tư phát triển hạ tầng Sông Lô; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Yên Bình; Công ty TNHH May mặc và Xuất khẩu VIT Grament xây dựng nhà máy quy mô 2,4 ha, đi vào hoạt động từ năm 2017...
Thời gian tới, huyện Sông Lô tiếp tục phát huy lợi thế đất rộng, nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, có đường sông, đặc biệt là đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua, có cầu Vĩnh Phú nối với thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ giúp việc đi lại giao thương hàng hóa của người dân thuận tiện.
Đồng thời, với cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp thông thoáng vào các KCN, CCN cùng với việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, ngoài tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của tỉnh, huyện Sông Lô đang tích cực khai thác các nguồn lực tại chỗ, đồng thời vận động nhân dân đóng góp đẩy nhanh chương trình xây dựng NTM, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các KCN, CCN, tạo mặt bằng thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển dệt may, da giày, sản xuất bao bì xuất khẩu; du lịch… Từ đó, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển bền vững.
Xuân Hùng