Phát huy lợi thế sẵn có, những năm gần đây, cùng với phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và lễ hội, Vĩnh Phúc đầu tư phát triển mạnh loại hình du lịch hội thảo, kết hợp nghỉ dưỡng (MICE) nhằm hướng tới du khách có mức chi tiêu cao, mang về nguồn thu lớn cho ngành Du lịch, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.
Khai thác tiềm năng du lịch nổi trội
Khai thác lợi thế về vị trí địa lý, gần Sân bay quốc tế Nội Bài và cách Thủ đô Hà Nội khoảng 50 km, cảnh quan thiên nhiên đẹp cùng với sự cởi mở, thông thoáng trong chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch, nhiều công trình hạ tầng giao thông, khu nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm hội nghị tầm cỡ quốc tế trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng và đưa vào hoạt động.
Khách sạn De l'Amour Tam Đảo sở hữu lợi thế vị trí trung tâm cùng 4 phòng hội thảo quy mô từ 100 - 600 khách với đầy đủ trang thiết bị hiện đại.
Có thể kể đến các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp như Venus Hotel Tam Đảo, Flamingo Đại Lải resort (Phúc Yên), WestLake Hotel&Resort Vĩnh Phúc (Vĩnh Yên), FLC Vĩnh Phúc resort (Vĩnh Tường), DIC Star Hotels&Resorts Vĩnh Phúc (Vĩnh Yên), Sông Hồng Thủ đô resort (Vĩnh Yên)...
Với cảnh quan đẹp, có thể kết hợp nghỉ dưỡng, tại các điểm đến này phù hợp với việc phát triển du lịch MICE, có khả năng tiếp cận nguồn khách MICE dồi dào từ Thủ đô Hà Nội cũng như địa phương lân cận.
Thực tế, đã có nhiều khách sạn lớn của tỉnh tổ chức, tiếp đón nhiều đoàn khách quốc tế đến tham gia các hội thảo, hội nghị, sự kiện văn hóa, thể thao tầm cỡ quốc gia kết hợp lưu trú dài ngày, đem lại doanh thu lớn, đồng thời, giúp quảng bá hình ảnh đất nước tươi đẹp, con người Việt Nam thân thiện, mến khách đến với bạn bè quốc tế.
Tọa lạc tại trung tâm thị trấn Tam Đảo, Venus Hotel Tam Đảo tự hào là chốn nghỉ dưỡng dành cho mọi cá nhân, gia đình, tổ chức hay doanh nghiệp khi đến với thị trấn mờ sương. Để phục vụ chu đáo cho các đoàn khách, đoàn đại biểu đến tham dự hội nghị, ngoài việc sở hữu tổ hợp các dịch vụ nhà hàng, hội thảo, bể bơi bốn mùa, spa&massage, phòng tập gym và tổ hợp khu vui chơi, Venus Hotel Tam Đảo còn sở hữu 198 phòng nghỉ tiêu chuẩn 4 sao quốc tế thích hợp cho việc tham dự sự kiện kết hợp nghỉ dưỡng dài ngày.
Với 2 phòng hội thảo (1 phòng có sức chứa lên tới 300 người và 1 phòng có sức chứa 30 người) set up theo tiêu chuẩn, hệ thống âm thanh, ánh sáng, hoa tươi trang trí và màn chiếu, trung bình mỗi tháng, đơn vị phục vụ khoảng 8 đoàn khách tham gia hội thảo kết hợp nghỉ dưỡng.
Giám đốc điều hành Venus Hotel Tam Đảo Đặng Thị Thu Trang cho biết: "Phát triển du lịch MICE đang trở thành xu hướng mới, điểm nhấn của du lịch Vĩnh Phúc những năm gần đây. Nắm bắt cơ hội này, đơn vị đẩy mạnh liên kết với các đơn vị lữ hành tổ chức đón các đoàn khách, đoàn đại biểu đến tham dự các buổi hội thảo, hội nghị, nâng cao chất lượng, thái độ và tinh thần phục vụ cho đội ngũ nhân lực đảm bảo sự chuyên nghiệp, góp phần nâng cao sự hài lòng cho du khách khi đến tham quan, công tác kết hợp nghỉ dưỡng tại một trong những điểm đến du lịch hàng đầu phía Bắc. Hiện, để kích cầu các tour này, Venus Hotel Tam Đảo đang triển khai ưu đãi giảm giá cho đoàn khách lên tới 20% khi sử dụng toàn bộ các dịch vụ".
Cùng với Venus Hotel Tam Đảo, thời điểm này, khách sạn De l'Amour Tam Đảo cũng thường xuyên đón các đoàn khách MICE trong nước đến tổ chức hội họp kết hợp tham quan nghỉ dưỡng. Sở hữu lợi thế vị trí trung tâm cùng 4 phòng hội thảo quy mô từ 100 - 600 khách với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, doanh thu hàng tháng của cơ sở đến từ loại hình du lịch hội thảo kết hợp nghỉ dưỡng khá lớn.
Để Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hấp dẫn
Mặc dù sở hữu nhiều lợi thế, song việc phát triển du lịch hội thảo kết hợp nghỉ dưỡng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, phát triển mạnh mẽ để tạo thương hiệu riêng cho tỉnh, chủ yếu phát triển mang tính tự phát, "mạnh ai nấy làm" của các đơn vị lưu trú.
Phòng hội thảo Venus Hotel Tam Đảo có sức chứa lên tới 300 khách, đáp ứng nhu cầu tổ chức hội thảo, hội nghị kết hợp nghỉ dưỡng của nhiều đoàn khách.
Các dịch vụ chưa đồng bộ và thiếu tính chuyên nghiệp. Nguồn nhân lực phục vụ còn thiếu và yếu, chưa có nhiều kinh nghiệm, khả năng ngoại ngữ còn hạn chế. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch, điểm đến của tỉnh còn đơn điệu, chưa có các khu vui chơi, giải trí phức hợp quy mô lớn...
Thời gian qua, ngành Du lịch tỉnh đã tích cực tham mưu tỉnh ban hành cơ chế thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, các dịch vụ hỗ trợ; đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng và tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm gắn với các sự kiện văn hóa, lễ hội, hội nghị, hội thảo tại tỉnh...
Ở khía cạnh doanh nghiệp, đại diện khách sạn De l'Amour Tam Đảo cho biết, đơn vị thường xuyên nghiên cứu thị trường, tiếp cận khách hàng, tiếp thu để xây dựng các chương trình phù hợp với từng đối tượng khách hàng; đồng thời, áp dụng những chính sách ưu đãi, không ngừng đào tạo nhân viên đảm bảo duy trì chất lượng dịch vụ.
Để đánh thức "mỏ vàng" du lịch mới đầy tiềm năng này, các doanh nghiệp du lịch cần tiếp tục chủ động phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù; liên kết, trao đổi kinh nghiệm với các địa phương có ngành Du lịch phát triển; đào tạo, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo quy mô lớn, mang tầm quốc tế... Qua đó xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Vĩnh Phúc hiện đại, đẳng cấp, chất lượng, thân thiện.
Bài, ảnh: Lưu Nhung