Kết thúc nửa chặng đường năm 2024, kết quả thu hút vốn đầu tư trong nước (DDI) của tỉnh đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và không đạt mục tiêu đề ra. Để Vĩnh Phúc tiếp tục là “bến đỗ” của các dự án đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp đến đầu tư, hoạt động.
Công ty cổ phần Thép Việt Đức (Bình Xuyên) không ngừng đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường, trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Việt Nam.
Tình hình thu hút các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong cả nước có sự cạnh tranh, dòng vốn FDI vào Việt Nam có xu hướng giảm các dự án quy mô lớn. Do đó, những tháng đầu năm nay, tỉnh hướng tới việc thu hút các dự án DDI như Dự án Trung tâm dữ liệu của Tập đoàn FPT tại khu công nghiệp (KCN) Thăng Long Vĩnh Phúc có vốn đầu tư dự kiến 70 - 100 triệu USD; dự án hạ tầng KCN Phúc Yên, dự kiến tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng; 2 dự án đầu tư nhà xưởng, hạ tầng cho thuê tại KCN Sơn Lôi của Công ty Vietnam Investment M Limited và Công ty Vietnam Investment S Limited, tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng; dự án tăng vốn của Tập đoàn Thép Việt Đức, tăng tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng,...
Mặc dù vậy, 6 tháng đầu năm, kết quả thu hút vốn đầu tư DDI của tỉnh vẫn thấp, chỉ đạt hơn 2.380 tỷ đồng, trong đó, cấp mới cho 10 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 1.013 tỷ đồng và tăng vốn cho 6 lượt dự án với tổng vốn tăng hơn 1.366 tỷ đồng, bằng 21% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 43,3% kế hoạch năm 2024.
Lũy kế đến đầu tháng 7/2024, trên địa bàn tỉnh có 841 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 142,5 nghìn tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến kết quả thu hút vốn DDI của tỉnh đạt thấp là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu dùng thế giới giảm, cùng giá cả nguyên liệu đầu vào tăng, thị trường tiêu thụ trong nước thu hẹp, hàng tồn kho lớn, cơ hội kinh doanh giảm dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động.
Cùng với đó là một số hạn chế nội tại của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để như giá đất, giá thuê hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp của tỉnh còn cao so với nhiều địa phương lân cận nên làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư; hạ tầng khu, cụm công nghiệp chưa đồng bộ; công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng chậm khiến việc triển khai các công trình, dự án khó khăn...
Để đạt mục tiêu thu hút 5.500 tỷ đồng vốn DDI đề ra trong năm 2024, từ nay đến cuối năm, tỉnh yêu cầu các cấp, ngành chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng, thu ngân sách, giải quyết việc làm, gia tăng kim ngạch xuất khẩu… của tỉnh.
Trọng tâm là tăng cường sự minh bạch; cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ phụ trách đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc kiện toàn, nâng cao năng lực của các bộ phận xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp.
Tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ và hoạt động đối thoại doanh nghiệp để tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh vào tỉnh, phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu về thu hút đầu tư, nhất là thu hút vốn đầu tư trong nước DDI.
Kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp DDI; khuyến khích doanh nghiệp hợp tác, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi từ gia công, lắp ráp sang thiết kế và sản xuất, nâng cao giá trị.
Là doanh nghiệp DDI đầu tiên được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần Tập đoàn CNCTech ngày càng phát triển. Không chỉ là tập đoàn sở hữu chuỗi nhà máy hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, hiện, đơn vị đang triển khai nhiều dự án KCN, CCN tại tỉnh như Dự án CNCTech Bá Thiện, KCN Nam Bình Xuyên, CCN Hợp Thịnh.
Thời gian tới, khi các dự án đi vào hoạt động với dịch vụ chuyên nghiệp của doanh nghiệp cung cấp mọi thứ cần thiết để các nhà đầu tư có thể nhanh chóng đi vào hoạt động sẽ góp phần tạo nên môi trường đầu tư hấp dẫn của tỉnh với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Với hệ thống hạ tầng KCN ngày càng đồng bộ, hiện đại, cùng nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư của các ngành chức năng, tin rằng, Vĩnh Phúc sẽ không chỉ là điểm sáng thu hút đầu tư FDI mà còn là địa chỉ tin cậy để nhiều doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất lớn trong nước tìm đến đầu tư sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Lưu Nhung