Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, thanh tra, kiểm tra; yêu cầu các nhà hàng đầu tư trang thiết bị, xây dựng phương án phòng, chống cháy, nổ theo phương châm "4 tại chỗ"… là những giải pháp hiệu quả huyện Tam Dương triển khai để chủ động phòng chống cháy, nổ tại các nhà hàng.
Công an huyện Tam Dương hướng dẫn nhân viên Nhà hàng Tam Dương 1 sử dụng bình chữa cháy xách tay.
Trên địa bàn huyện Tam Dương hiện có hơn 40 nhà hàng ăn uống. Là nơi chế biến, cung cấp, kinh doanh dịch vụ ăn uống nên các nhà hàng thường tiêu thụ lượng điện năng, khí đốt lớn, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.
Để đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các nhà hàng ăn uống, Công an huyện Tam Dương phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức tuyên truyền, tập huấn về PCCC cho chủ cơ sở, nhân viên tại các nhà hàng; trong đó, tập trung tuyên truyền các nguy cơ cháy nổ thường gặp, cách phòng ngừa cháy nổ, kỹ năng sử dụng bình chữa cháy, kỹ năng thoát nạn khi có sự cố xảy ra...
Cùng với đó, yêu cầu, hướng dẫn các nhà hàng đầu tư trang thiết bị, xây dựng phương án PCCC theo phương châm “4 tại chỗ". Công tác kiểm tra, thanh tra cũng được tăng cường, qua kiểm tra, lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những vi phạm, thiếu sót, hạn chế trong công tác PCCC của các nhà hàng; đồng thời, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn các nhà hàng tiếp tục thực hiện tốt công tác PCCC.
Nhận thức rõ việc chủ động, tích cực trong công tác PCCC là một trong những biện pháp quan trọng, cần thiết, tạo dựng thương hiệu, uy tín đối với khách hàng, đồng thời, bảo đảm an toàn về tài sản cho chính mình, chủ các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện Tam Dương chú trọng thực hiện tốt công tác PCCC nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy, nổ xảy ra.
Bà Nguyễn Thị Hồng Xuyến, chủ nhà hàng Lẩu nấm Thái Sơn, thị trấn Hợp Hòa cho biết: “Nhà hàng Lẩu nấm Thái Sơn đã chủ động trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị PCCC và đặt tại những vị trí cần thiết, thuận tiện sử dụng khi cháy, nổ xảy ra; trang bị hệ thống thông gió tốt để loại bỏ khí gas, khói và mùi thức ăn; lắp đặt hệ thống điện an toàn; thường xuyên kiểm tra, thay thế các thiết bị điện, thiết bị chữa cháy đã hỏng, xuống cấp…
Nhân viên nhà hàng được tham gia đầy đủ các buổi tập huấn về PCCC và tích cực cập nhật kiến thức PCCC cũng như kinh nghiệm rút ra từ các vụ cháy nổ, từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và kỹ năng, nghiệp vụ PCCC. Qua các đợt kiểm tra của lực lượng chức năng, nhà hàng đều được đánh giá thực hiện tốt công tác PCCC; nhiều năm qua, nhà hàng chưa để xảy ra sự cố cháy, nổ”.
Công an huyện Tam Dương kiểm tra khu vực bếp nấu của Nhà hàng Tam Dương 1, xã Đạo Tú.
Chị Bùi Thị Hồng, nhân viên Nhà hàng Tam Dương 1, xã Đạo Tú cho biết: “Chúng tôi là những người trực tiếp làm việc ở khu vực bếp, nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, vì vậy, rất chú trọng, quan tâm đến công tác PCCC.
Tôi luôn tham gia đầy đủ các buổi tập huấn về công tác PCCC của lực lượng chức năng để tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng PCCC cơ bản. Áp dụng vào thực tiễn công việc hằng ngày, tôi luôn sắp xếp các đồ dùng, dụng cụ ngăn nắp, để riêng những vật dụng dễ cháy nổ như than, cồn…; khóa bình gas cẩn thận; trước khi ra về sẽ tắt hết các thiết bị điện... Những thói quen đó góp phần đảm bảo an toàn cho chúng tôi và nhà hàng cũng như khách hàng".
Đại úy Lê Văn Dũng, cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Tam Dương cho biết: “Việc chủ động trong công tác PCCC không chỉ bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân viên và khách hàng mà còn góp phần xây dựng hình ảnh nhà hàng an toàn, chuyên nghiệp, từ đó, giúp các nhà hàng phát triển bền vững, tạo dựng uy tín trên thị trường.
Nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, công tác PCCC tại các nhà hàng trên địa bàn huyện được đảm bảo. Tuy nhiên, để công tác PCCC ngày một tốt hơn thì mỗi cá nhân, mỗi nhà hàng tiếp tục chủ động đảm bảo các điều kiện và tổ chức tốt công tác PCCC tại chỗ”.
Bài, ảnh: Minh Hường