Thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng với những thủ đoạn ngày càng tinh vi và bằng những phương thức mới, lợi dụng sự thiếu thông tin hiểu biết của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo.
Theo thông tin từ Công an tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan chức năng đã tiếp nhận, giải quyết 19 đơn tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với tổng số tiền thiệt hại hơn 3,8 tỷ đồng; đã khởi tố 14 vụ với 5 bị can, thu hồi số tiền 17,3 triệu đồng.
Các đối tượng sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, quy mô, mức độ ngày càng lớn, hoạt động liên tỉnh, thậm chí liên kết cả đối tượng đang ở nước ngoài gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan điều tra.
Các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên nhiều lĩnh vực, xảy ra tại khắp các huyện, thành phố trên địa bàn. Phương thức, thủ đoạn chủ yếu là sử dụng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà tặng, sau đó giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế yêu cầu bị hại nộp tiền để nhận quà; lập tài khoản mạng xã hội rồi chiếm quyền kiểm soát tài khoản để chúng nhắn tin vay mượn tiền người thân, bạn bè của chủ tài khoản.
Hoặc giả danh nhân viên cơ quan Nhà nước gọi điện thoại, lập trang Web giả mạo hướng dẫn người bị hại đăng nhập các thông tin cá nhân theo hướng dẫn của chúng, sau đó chúng chiếm quyền kiểm soát tài khoản, rồi yêu cầu nộp tiền để nhận quà tặng, cung cấp mã OTP tài khoản ngân hàng; đe dọa người dân có liên quan đến một số vụ án và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản theo hướng dẫn để chiếm đoạt; sử dụng các phần mềm, ứng dụng để giả giọng nói, khuôn mặt, giấy tờ của cơ quan Nhà nước nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của bị hại...
Những thủ đoạn nêu trên tuy không mới nhưng vẫn còn nhiều người dân “sập bẫy”, đã có trường hợp bị các đối tượng lừa đảo hàng tỷ đồng. Lý giải về nguyên nhân tại sao vẫn còn nhiều người dân bị lừa đến vậy, đại diện cơ quan Công an tỉnh cho biết, các đối tượng đã nhắm trúng tâm lý của bị hại để lừa đảo mà bị hại vẫn tin chúng.
Trong khi đó, ý thức phòng ngừa, cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo của người dân chưa cao; vẫn còn một bộ phận không nhỏ bị hại thiếu hiểu biết, hám lợi nên dễ sập bẫy lừa đảo. Một số cơ quan, doanh nghiệp và người dân vẫn chưa ý thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác bảo mật cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân; chủ quan xem nhẹ cảnh báo an ninh, an toàn thông tin mạng của cơ quan chức năng.
Ngoài ra, một số người dân còn có tâm lý e ngại, không dám trình báo hoặc sau nhiều ngày mới trình báo cơ quan chức năng, do vậy đã gây khó khăn trong công tác điều tra, xác minh và thu hồi tài sản.
Thực tế, khi cơ quan công an tích cực vào cuộc, tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng trong tình hình mới đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nhằm kiềm chế loại tội phạm này. Tuy nhiên, để đối phó với cơ quan chức năng cũng như chiếm niềm tin của người dân, các đối tượng lừa đảo đã nghĩ ra những chiêu trò “công khai thực tế” nhưng lại gian manh hơn.
Cụ thể, mới đây, tại các tỉnh, thành phố trên cả nước có “hiện tượng lạ”: Tại cửa xe ô tô, cửa nhà của một số người dân có treo một thẻ trông giống thẻ ngân hàng có màu vàng, tặng 50 nghìn đồng, 100 nghìn đồng. Mặt sau tấm thẻ có ghi thông tin như mệnh giá thẻ này có thể thông qua bằng cách quét mã QR để nhận.
Người dân cần cẩn trọng với chiêu trò tặng tiền, lừa đảo hạ giá sản phẩm.
Quét mã QR để liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng, sau đó cung cấp tài khoản, mật khẩu của thẻ để nhận được số tiền tương ứng. Khi liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng, bạn vui lòng chụp lại ảnh số tiền trên thẻ và tài khoản, mật khẩu. Để nhận được số tiền của thẻ chỉ cần nạp 50k và sẽ được tặng 50k.
Phương thức lừa đảo mới này đã "thực tế" và "ít ảo" hơn trước nhưng nó lại đánh trúng tâm lý cả tin của một số người dân. Nếu người dân mất cảnh giác, làm theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo sẽ bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Đã từng nếm trái đắng của bọn lừa đảo, anh Dương Thành. D, phường Tích Sơn (Vĩnh Yên) bức xúc: "Mới đây, trên các trang mạng xã hội liên tục rao bán đồ gia dụng từ bộ nồi inox 3 chiếc chỉ có giá 35 nghìn đồng đến xe máy điện có giá 119 nghìn đồng/chiếc. Với giá thành rẻ như vậy đã kích thích tôi đặt mua hàng.
Khi đặt lệnh mua hàng xong, đối tượng yêu cầu tôi cung cấp thông tin cá nhân. Sau đó đưa tài khoản mạng xã hội của tôi vào nhóm Telegram và yêu cầu mua thêm 1 sản phẩm nữa để có thể nhận được nhiều ưu đãi hơn và khẳng định sẽ hoàn tiền cho người mua; càng mua nhiều sẽ được hoàn tiền nhiều.
Nhận biết đây là chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản, ngay lập tức tôi rút khỏi nhóm, hủy toàn bộ liên hệ qua mạng với đối tượng lừa đảo. Dù số tiền bị mất không lớn, nhưng đây sẽ là bài học cho bản thân và gia đình tôi".
Trước tình trạng lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi, Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về thương mại điện tử.
Tuyệt đối không tin vào những tin nhắn không rõ nguồn gốc để bấm vào những đường link lạ; không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP, tránh trường hợp bị mất quyền kiểm soát trên thiết bị điện thoại thông minh để chúng chiếm đoạt tài khoản, rút toàn bộ tiền của nạn nhân có trong tài khoản ngân hàng.
Thường xuyên cập nhật thông tin tội phạm, cảnh báo của cơ quan chức năng để phòng ngừa, tuyên truyền tới bạn bè, người thân và cộng đồng.
Bài, ảnh: Thành An