Với nhiều giải pháp đồng bộ, công tác phát triển người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, dần chiếm tỷ lệ tương đối trong cơ cấu tổng số người tham gia BHYT của tỉnh, góp phần đẩy nhanh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân.
Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh tuyên truyền tới người dân về ý nghĩa và lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình. Ảnh: Dương Chung
Được sự tư vấn của nhân viên đại lý thu BHYT, chị Nguyễn Thị Thưởng ở phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên tham gia BHYT hộ gia đình từ năm 2020. Ngoài 2 con đang đi học tham gia BHYT học sinh, còn lại gia đình chị có 4 người tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Chị Thưởng chia sẻ: “Tham gia BHYT là thể hiện tinh thần “mình vì mọi người và mọi người vì mình”, vì vậy, tôi đã mua BHYT cho các thành viên trong gia đình. Đến nay, vợ chồng tôi và các con chưa từng phải sử dụng đến thẻ BHYT nhưng bố mẹ tôi tuổi đã cao, thường xuyên phải đi viện nên thẻ BHYT chính là điểm tựa, giúp giảm gánh nặng viện phí”.
Tham gia BHYT hộ gia đình không chỉ giúp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, giảm gánh nặng tài chính khi ốm đau, bệnh tật mà còn thể hiện trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng, góp phần thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Luật BHYT năm 2008 quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình nằm trong nhóm đối tượng BHYT tự nguyện, người dân có thể lựa chọn hình thức tham gia là cá nhân hay hộ gia đình. Từ ngày 1/1/2015, thực hiện Luật BHYT sửa đổi, tham gia BHYT hộ gia đình là hình thức bắt buộc.
Theo đó, đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, trừ những thành viên đã có thẻ BHYT thuộc các nhóm đối tượng khác.
Quy định này nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho tất cả các thành viên trong gia đình, hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đồng thời, khắc phục tình trạng nhiều gia đình chưa có ý thức mua BHYT cho toàn bộ thành viên để phòng khi ốm đau và chia sẻ rủi ro với người khác mà chỉ chọn mua BHYT cho những người ốm, người bị bệnh mãn tính.
Để khuyến khích người dân tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình, Nhà nước đã có quy định giảm dần số tiền đóng từ thành viên thứ 2 trong gia đình. Theo đó, người thứ 2, 3, 4 trở đi đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ 5 trở đi mức đóng bằng 40% của người thứ nhất.
Ngoài chính sách chung của Nhà nước, từ năm 2015, tỉnh đã ban hành quy định hỗ trợ cho các đối tượng có hộ khẩu thường trú tại Vĩnh Phúc khi tham gia BHYT hộ gia đình. Theo đó, người thứ nhất trong hộ gia đình được hỗ trợ 20% kinh phí; người từ đủ 60 đến dưới 70 tuổi được hỗ trợ 30% kinh phí; người từ đủ 70 đến dưới 80 tuổi được hỗ trợ 50% kinh phí.
Để nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, lợi ích thiết thực khi tham gia BHYT và các cơ chế hỗ trợ đối với người tham gia BHYT hộ gia đình, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Đồng thời tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và hoạt động nghiệp vụ của ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa, giải quyết nhanh chóng, kịp thời các chế độ, quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Hằng năm, trên cơ sở chỉ tiêu UBND tỉnh giao cho từng địa phương, BHXH các huyện, thành phố đã chủ động tham mưu UBND các huyện, thành phố triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia BHYT hộ gia đình phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương và giao chỉ tiêu tới từng xã, phường, thị trấn…
Với nhiều giải pháp đồng bộ, tỷ lệ người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình trên địa bàn tỉnh tăng qua các năm. Nếu như năm 2014, toàn tỉnh chỉ có hơn 52.000 người tham gia BHYT hộ gia đình (đạt 15% tổng số đối tượng) thì đến nay có hơn 275.000 người tham gia (đạt 84% tổng số đối tượng), tăng hơn 18.000 người so với cuối năm 2023 và gấp 5,5 lần so với năm 2014.
Đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình tăng mạnh đã góp phần quan trọng đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân của tỉnh, nâng tổng số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh đạt gần 1,155 triệu người, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,3% dân số.
Trong xu hướng giá viện phí ngày một tăng cao, nhờ tham gia BHYT theo hộ gia đình, nhiều người dân được khám, chữa bệnh, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, giảm nỗi lo về gánh nặng viện phí để yên tâm điều trị; nhất là đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Tuy nhiên, dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn do một bộ phận người dân còn hạn chế về nhận thức, có tư tưởng khi ốm đau mới mua BHYT; một số gia đình, nhất là ở khu vực nông thôn khó khăn về kinh tế, thu nhập thấp, bấp bênh nên không có điều kiện mua BHYT cùng một lúc cho tất cả các thành viên trong gia đình dù đã được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, mức đóng BHYT tăng theo mức lương cơ sở cũng đã có những tác động không nhỏ, gây khó khăn cho công tác phát triển người tham gia BHYT hộ gia đình…
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế, tỉnh tiếp tục giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình cho các huyện, thành phố; phát huy vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp của các ban, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, phát triển người tham gia BHYT hộ gia đình; đồng thời, chỉ đạo ngành Y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tinh thần phục vụ, tạo niềm tin cho người dân khi tham gia BHYT.
BHXH tỉnh phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa, tính nhân văn, mức hỗ trợ và giảm trừ khi tham gia BHYT hộ gia đình; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia; mở rộng các điểm thu BHYT hộ gia đình để tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu tham gia BHYT…
Lê Mơ