Thầy giáo Đỗ Khắc Chung, quê gốc ở làng Cam Lộ, huyện Giáp Sơn, tỉnh Hưng Yên là người có công dạy chữ nghĩa, lễ giáo, khơi dậy phong trào hiếu học cho nhân dân thôn Quan Tử (tức làng Gốm xưa), xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Nhớ ơn ông, nhân dân trong làng đã lập đền thờ, tôn vinh ông là “Thành hoàng làng”.
Học sinh Trường THCS Sơn Đông, huyện Lập Thạch tìm hiểu về kiến trúc, giá trị lịch sử của đền thờ Đỗ Khắc Chung. Ảnh: Kim Ly
Các bậc cao niên trong làng kể lại, thầy giáo Đỗ Khắc Chung làm quan dưới triều nhà Trần. Do lập được nhiều công lao trong chiến tranh chống quân Nguyên-Mông xâm lược nên ông được vua ban quốc tính họ Trần, vì vậy, sử cũ thường chép họ tên ông là Trần Khắc Chung.
Không chỉ có công lớn dẹp giặc, ông còn nổi tiếng là một nhà giáo uyên bác và đức độ. Tuy không sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Phúc, nhưng ông đã gắn bó và có nhiều công lao đối với vùng đất Sơn Đông, Lập Thạch.
Trước khi đỗ đạt, làm quan triều nhà Trần, thầy giáo Đỗ Khắc Chung đã mở lớp học dạy chữ cho nhân dân trong vùng, khơi dậy phong trào học hành, thi cử sôi nổi, khoa mục nối đời đỗ đạt. Cả làng có 12 vị tiến sĩ nho học, trong đó có nhiều người giữ vị trí quan trọng trong các triều đại phong kiến Việt Nam.
Trước đây, vùng quê này được gọi là làng Gốm vì người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề làm gốm, nhưng đến thời vua Lê Thánh Tông, vì có nhiều người đỗ đạt làm quan nên ngôi làng này được đổi tên thành làng Quan Tử và suy tôn thầy giáo Đỗ Khắc Chung là "Thành hoàng làng", lập đền thờ vào khoảng thế kỷ thứ XVII.
Ngôi đền được xây trên nền lớp học cũ, tọa lạc trên diện tích hơn 2.600 m2, được bao quanh bởi phong cảnh hữu tình. Lối dẫn vào đền là hồ nước xanh mát, cây cối tươi tốt. Trong khuôn viên đền có nhiều cây cổ thụ như nhãn, duối, si…
Cụ Lê Văn Long, 80 tuổi, là người trông coi việc đèn nhang của đền cho biết: “Đền được xây dựng theo lối kiến trúc cổ của vùng Bắc Bộ xưa trên thế đất hình bút nghiên, biểu trưng cho truyền thống hiếu học của người dân trong làng. Tổng thể kiến trúc của đền gồm tam quan, tiền tế và hậu cung. Ngôi đền được chạm trổ nhiều hoa văn, họa tiết mang nét đặc trưng của kiến trúc nghệ thuật thế kỷ XVII.
Đến nay, đền vẫn lưu giữ nhiều cổ vật, di vật quý như bia đá ghi danh các vị tiên hiền liệt vị (những người đỗ đạt của làng Quan Tử), bản phả lục sự tích Đỗ Khắc Chung, bức hoành phi chữ Hán bằng gỗ, tượng tiên hiền, long ngai, tượng võ sĩ…
Ngay chính giữa nhà tiền tế là bức hoành phi với 4 chữ: Vạn đại chiêm ngưỡng (có nghĩa là muôn đời ghi nhớ công lao) nhằm thể hiện lòng thành kính, biết ơn với thầy giáo Đỗ Khắc Chung. Từ năm 1993, ngôi đền đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia”.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị đền thờ Đỗ Khắc Chung, từ nhiều năm nay, xã Sơn Đông đã thành lập Tiểu Ban quản lý di tích đền gồm 5 người. Các thành viên tiểu ban có nhiệm vụ trông coi, bảo vệ, thờ cúng, hướng dẫn du khách và người dân địa phương đến tham quan, thắp hương trong khuôn viên di tích. Không chỉ mang giá trị lịch sử, nơi đây còn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Theo dòng chảy của thời gian, truyền thống hiếu học của ngôi làng khoa bảng từng nổi danh đất Bắc một thời vẫn được duy trì đến hôm nay. Lớp lớp các thế hệ học sinh luôn ghi nhớ công lao của thầy giáo Đỗ Khắc Chung và ông cha đi trước.
Đền thờ Đỗ Khắc Chung, xã Sơn Đông mang nét kiến trúc đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa. Ảnh: Kim Ly
Phong trào khuyến học, khuyến tài ở làng Quan Tử ngày càng sôi nổi. Năm nào làng cũng có học sinh thi đỗ vào các trường đại học danh tiếng. Nhiều người con của làng hiện đang giữ cương vị quan trọng tại các cơ quan, đơn vị, làm rạng danh quê hương. Trong làng có nhiều dòng họ học tập tiêu biểu như họ Hoàng Trọng, Hoàng Bá, Trần, Trịnh, Nguyễn...
Nguồn quỹ khuyến học của thôn và của các dòng họ luôn được duy trì, hoạt động hiệu quả. Vào dịp đầu năm học mới, thôn Quan Tử đều tổ chức tuyên dương học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó, học sinh đỗ đại học, cao đẳng.
Trước khi được tuyên dương tại nhà văn hóa, các em được vào đền thờ Đỗ Khắc Chung để thực hiện nghi thức dâng hương, báo cáo thành tích học tập của mình lên “Thành hoàng làng” để được ngài chứng giám.
Đền thờ Đỗ Khắc Chung là công trình kiến trúc lịch sử tiêu biểu, là niềm tự hào của nhân dân Sơn Đông. Hằng năm, để tưởng nhớ công lao của vị tiên hiền Đỗ Khắc Chung, nhân dân trong làng thường mở tiệc sinh thần và tiệc hóa thần vào ngày 24 tháng Giêng và ngày mùng 3/9 âm lịch.
Cùng với công tác bảo tồn di tích, địa phương đang xây dựng và kết nối quần thể 3 di tích lịch sử cấp quốc gia trên địa bàn gồm chùa Am - đền thờ Đỗ Khắc Chung - đền thờ Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn để quảng bá, phát triển du lịch tâm linh, thu hút du khách gần xa về tham quan, chiêm bái.
Quỳnh Hương