Một bé gái 3 tuổi vừa trở thành trường hợp đầu tiên mắc hội chứng bất thường mạch máu hiếm gặp được ghép gan ở Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM.
Ngày 10/7, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, sau khi được Bộ Y tế thẩm định và công nhận là Trung tâm ghép tạng trẻ em vào tháng 4, nơi đây đã tiến hành ghép gan 3 ca, cho kết quả bước đầu thuận lợi.
Lần đầu ghép gan cho trẻ mắc hội chứng mạch máu hiếm gặp
Trong đó, có một trường hợp đặc biệt khi bệnh nhi không phải mắc bệnh lý xơ gan, teo đường mật như bình thường mà do hội chứng gây bất thường về mạch máu.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Vân Khánh, Phó trưởng khoa Gan mật tụy - Ghép gan chia sẻ, trong tổng số 36 ca ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2, đa số đều bị tình trạng teo đường mật. Gần đây, Bệnh viện đã ghép gan cho một trường hợp bất thường mạch máu đầu tiên.
Đây là một bé gái 3 tuổi, quê Bình Thuận, chẩn đoán hội chứng Budd - Chiari (rối loạn khiến các tĩnh mạch dẫn máu ra khỏi gan bị hẹp, hoặc bị tắc do cục máu đông) lúc 14 tháng tuổi do bụng báng.
Từ khi chào đời, bé xuất huyết tiêu hóa 3 lần, phải truyền máu khối lượng lớn và nhập viện nhiều lần.
Tại bệnh viện, kết quả CT scan không thấy tĩnh mạch chủ dưới sau gan bé gái. Tiến hành thông tim, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi tắc hoàn toàn tĩnh mạch chủ dưới, đoạn dài 3 cm.
Quá trình nội soi, bệnh nhi được ghi nhận giãn tĩnh mạch thực quản. Sinh thiết gen ghi nhận bé xơ gan, nhu mô gan thoái hóa, xuất huyết. Bé cũng có tình trạng suy dinh dưỡng, chất lượng cuộc sống suy giảm. Nếu không điều trị triệt để, bé khó thoát khỏi tình trạng tử vong.
Từ năm 2022, bệnh nhi được điều trị nội khoa bảo tồn. Quá trình can thiệp, các bác sĩ phát hiện bé có tình trạng tăng đông do giảm protein C, xét nghiệm gen có tăng đông ở cả người mẹ. Đến năm 2024, bé suy gan và xơ gan nặng, có chỉ định ghép gan.
Theo bác sĩ Vân Khánh, quá trình lên kế hoạch ghép gan, ekip điều trị xác định bệnh nhi có nguy cơ xuất hiện huyết khối sau ghép, phải dùng thuốc kháng đông kéo dài. Bệnh nhi có tuần hoàn bàng hệ nhiều, việc bóc tách sẽ khó khăn. Ngoài ra, bệnh nhân có bất thường tĩnh mạch chủ dưới, cần phải tiến hành nối mạch máu trong quá trình phẫu thuật.
Bệnh nhi có chỉ định ghép gan khi 3 tuổi.
Sau khi lên kế hoạch ghép gan kỹ lưỡng, xác định rõ các yếu tố nguy cơ, dự phòng sau ghép, ca phẫu thuật ghép gan cho bệnh nhi đã tiến hành ngày 1/7. Hiện tại, bé đang trong quá trình phục hồi tốt.
Vẫn còn nhiều đích đến cần chạm tới
Thống kê cho thấy, đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện 36 ca ghép gan, 32 ca ghép thận. Trong đó, từ năm 2005 (thời điểm bệnh viện bắt đầu ghép gan) đến năm 2020, mỗi năm đơn vị chỉ tiến hành 1 ca ghép tạng. Sau khi trải qua thời điểm dịch Covid-19, từ 2021 đến nay, Bệnh viện đã ghép đến 23 ca, gấp đôi khoảng thời gian 15 năm trước cộng lại.
Nếu không có gì thay đổi, tháng tới Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ tiếp tục ghép thận, với tốc độ mỗi đợt 3 ca. Dù tăng tốc như vậy nhưng theo bác sĩ Thạch, nhu cầu ghép gan vẫn còn rất cao. Theo đó, bệnh viện còn khoảng 200 bệnh nhi đang chờ ghép gan, trong đó khoảng 20 trường hợp có nguồn gan hiến.
Một trong 3 ca ghép gan thực hiện gần đây ở Bệnh viện Nhi đồng 2.
Cũng theo bác sĩ Thạch, trước đây có một số thời điểm bệnh viện bị gián đoạn việc ghép gan, do thiếu thốn về con người, máy móc, thủ tục… Hiện tại, Bệnh viện hầu như đã làm chủ mọi kỹ thuật.
Nếu có những trường hợp quá phức tạp, Bệnh viện vẫn mời các chuyên gia nước ngoài sang hỗ trợ. Trong tương lai, nơi này hướng đến thực hiện các kỹ thuật mới như ghép tim, để chăm sóc tốt hơn sức khỏe người dân.
"Với các trường hợp phức tạp, sự trao dồi, tăng cường đào tạo, phối hợp giữa các cơ sở y tế là rất quan trọng. Việc này vừa giúp phẫu thuật tốt, giảm được tỷ lệ biến chứng về sau và ngày càng tăng nhiều hơn số lượng mổ cho bệnh nhân…
Từ giờ đến 30/4 năm sau, chúng tôi sẽ khánh thành tòa nhà kỹ thuật cao. Bệnh viện sẽ cố gắng đạt được 50 ca ghép gan để lập thành tích chào mừng cột mốc này", Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 nói.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Gan mật tụy cho biết, thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, đích đến cần chạm tới, như phải làm nhiều lên, nhanh lên và thực hiện mở rộng chỉ định để cứu được nhiều trường hợp hơn. Như trường hợp bất thường mạch máu, từ năm 2005 Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hội chẩn rất nhiều với chuyên gia Bỉ, trước khi lên quyết định phải ghép gan.
Tuy nhiên khi đến cận ngày ghép, ca phẫu thuật phải cân nhắc lại, khi cả mẹ và con được ghi nhận có bất thường về gen. Cuối cùng sau khi bàn bạc, xác định mẹ vẫn hiến gan cho con được, ca phẫu thuật vẫn được tiến hành. Dự kiến vào tháng 8, bệnh viện sẽ tiếp tục phẫu thuật cho bệnh nhi ung thư gan.
Ban lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 2 hy vọng tương lai sẽ có thêm nguồn tạng hiến từ người cho chết não, để tăng thêm cơ hội sống cho bệnh nhân.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Hải Trung, Phó trưởng khoa Gan mật tụy chia sẻ, ca ghép gan nêu trên không chỉ hiếm gặp ở Việt Nam mà còn ở bình diện thế giới. Trong trường hợp này, việc nối động mạch gan rất quan trọng, vì tắc sẽ gây hoại tử tế bào gan, tổn thương đường mật.
Khi trẻ bị biến chứng huyết khối động mạch sau mổ ghép gan, tỷ lệ tử vong lên tới 20%.
Những năm qua nhờ sự phát triển của kỹ thuật nối động mạch hiện đại, tỷ lệ trên đã xuống còn 1,7-2%. Riêng ở Bệnh viện Nhi đồng 2, tỷ lệ này thấp đáng kinh ngạc (chỉ có một ca ghép gan gặp phải trong thời điểm đầu tiên).
Trong tất cả ca ghép tạng ở Bệnh viện Nhi đồng 2, chỉ có 2 ca ghép thận được nhận từ người cho chết não. Điều này đi ngược lại xu hướng thế giới. Ban lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 2 hy vọng, với sự phát triển về nhận thức của cộng đồng, sẽ ngày càng có nhiều nguồn tạng hiến từ người cho chết não, để ngày càng nhiều người bệnh có cơ hội sống hơn.
Kim Ly (Theo dantri.com.vn)