Thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố xanh, thông minh, đáng sống, cùng với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, đô thị, thành phố Vĩnh Yên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chăm lo, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
Các câu lạc bộ văn nghệ quần chúng của thành phố Vĩnh Yên là nòng cốt tham gia biểu diễn văn nghệ trong các ngày kỷ niệm truyền thống, ngày lễ, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Ảnh: Trà Hương
Với quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững, phát triển kinh tế là điều kiện để chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, thành phố Vĩnh Yên đã ban hành Đề án Phát triển văn hóa-văn nghệ và thể dục-thể thao (TDTT) giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Thực hiện đề án, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn thành phố đã tập trung triển khai các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa, văn minh đô thị gắn với thực hiện Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức các ngày kỷ niệm, không uống rượu, bia trong ngày làm việc và không hút thuốc lá nơi công sở; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đều đưa nội dung ứng xử văn hóa trong thực thi công vụ, phục vụ nhân dân vào nội quy, quy chế; các thôn, tổ dân phố đều có quy định cụ thể trong bản quy ước, hương ước về trách nhiệm của mỗi gia đình, công dân đối với việc xây dựng môi trường văn hóa cũng như việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ trên địa bàn thành phố ngày càng đi vào nền nếp, đảm bảo văn minh, tiết kiệm, đúng với quy ước, hương ước, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Công tác đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố quan tâm chỉ đạo.
Hiện toàn thành phố có 23 khu công viên, vườn hoa cây xanh với tổng diện tích gần 48 ha; 1 thư viện thành phố; các xã, phường có 8 nhà văn hóa, 8 sân thể thao, 5 nhà tập luyện thể thao; cấp thôn, tổ dân phố có 103 nhà văn hóa được xây dựng, 73 sân thể thao đơn giản, 1 nhà tập luyện thể thao…
Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân và được sử dụng đúng công năng, mục đích, từ đó, thúc đẩy phong trào văn hóa-văn nghệ, TDTT trong quần chúng phát triển mạnh mẽ.
Đến nay, trên địa bàn thành phố có hơn 100 đội, câu lạc bộ (CLB) văn nghệ quần chúng, duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả, là nòng cốt tham gia các hội thi, liên hoan do các cấp, ngành tổ chức và tham gia biểu diễn văn nghệ tuyên truyền lưu động phục vụ nhân dân trong các ngày kỷ niệm truyền thống, ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh và thành phố.
Hoạt động của các CLB văn nghệ quần chúng không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn ngày càng phát triển, thu hút đông đảo nhân dân tham gia luyện tập. Toàn thành phố hiện có 125 CLB TDTT quần chúng, tỷ lệ người dân thường xuyên luyện tập TDTT đạt 46%; số hộ gia đình tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đạt hơn 43%.
Đề án Phát triển văn hóa-văn nghệ và TDTT thành phố Vĩnh Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được triển khai hiệu quả đã mang lại nhiều kết quả tích cực; nhận thức của người dân trên địa bàn được nâng lên rõ rệt, từ việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, ý thức xây dựng nếp sống văn minh đô thị, trật tự đô thị, thân thiện trong giao tiếp ứng xử, giữ gìn cảnh quan môi trường sạch đẹp, văn minh.
Bên cạnh đó, các phong trào văn nghệ, TDTT quần chúng phát triển ngày càng mạnh mẽ, sôi nổi, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Phát huy những kết quả đạt được, UBND thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề án; ưu tiên quỹ đất, không gian, cảnh quan cho hoạt động văn hóa-văn nghệ, TDTT, nhất là các trung tâm vui chơi giải trí, công viên văn hóa, sân TDTT công cộng, không gian cho các hoạt động sinh hoạt dân ca, dân vũ của cộng đồng.
Thành phố tiếp tục ưu tiên nguồn lực để đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa-văn nghệ, TDTT các cấp; quan tâm xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn và đội ngũ cộng tác viên, đặc biệt là đội ngũ hạt nhân về các lĩnh vực văn hóa-văn nghệ, TDTT để gây dựng, thúc đẩy phong trào.
Đẩy mạnh xã hội hóa thu hút nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân tham gia đóng góp xây dựng và phát triển văn hóa-văn nghệ và TDTT của thành phố; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, gắn với thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Lê Mơ